Bảo tồn cây lâu năm: Không chỉ để vinh danh
Tháng 10-2013, cụm 3 cây K’tung-bồ đề-bằng lăng (buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (BVTN&MT) Việt Nam công nhận và gắn biển cây di sản. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ những cây cổ thụ quý, bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học mà còn góp phần nâng cao ý thức của mọi người và toàn xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường, cây xanh.
Cây “đoàn kết”
Nằm cách nhà cộng đồng của buôn Kroa B khoảng 1km, cụm 3 cây K’tung - bồ đề - bằng lăng ở đầu suối Ea MKang có tuổi đời khoảng 200 năm với chiều cao trên 30m; thân cây tại tọa độ cao cách mặt đất 1m có chu vi 10,5m và đường kính 3,5m tỏa bóng sum sê. Sở dĩ người dân trong buôn gọi đây là cây “đoàn kết” bởi cả 3 cây quấn chặt lấy nhau, đan xen như một thể thống nhất và cùng chung sống từ bao đời nay. Chẳng ai biết cây “đoàn kết” được trồng từ bao giờ, người già trong buôn bảo từ khi sinh ra đã thấy cây tỏa bóng xanh mát. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đến những cuộc “đi săn” của bọn buôn gỗ, cây “đoàn kết” vẫn sừng sững giữa đại ngàn, trở thành một báu vật của buôn làng bởi họ tâm niệm cây sẽ mang đến sự bình yên và ấm no cho mọi người. Già Ama Ngur (già làng buôn Kroa B) nhớ lại: “Không biết cây được trồng từ đời nào mà tôi chỉ nhớ là lúc còn nhỏ thường theo mẹ ra suối tắm giặt đã thấy cây to như thế rồi. Theo quan niệm của đồng bào Êđê thì “còn rừng cây là còn nguồn nước” nên chẳng ai dám chặt cây rừng. Dẫu nhiều lúc dân làng thiếu củi đốt, nhưng chẳng ai dám bẻ, chặt cành cây “đoàn kết” vì mọi người đều xem cây này như là vị thần canh giữ đại ngàn”.
Cụm 3 cây K’tung - bồ đề - bằng lăng được vinh danh “Cây di sản”. |
Chính vì thế, đã nhiều lần những lái buôn gỗ từ các nơi tìm đến gạ mua cây cổ thụ này với giá hàng chục triệu đồng, nhưng với quyết tâm giữ cây đầu nguồn để bảo tồn nguồn nước nên dân làng buôn Kroa B không đồng ý. Với vị trí nằm ở đầu nguồn con nước, cây “đoàn kết” đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, bởi vào mùa mưa hay mùa khô, suối Ea Mkang vẫn tuôn trào dòng nước trong mát. Mỗi buổi chiều, người dân buôn Kroa A và Kroa B lại gùi can, chai nhựa đến lấy nước về để nấu ăn, uống; cũng có người đến suối để tắm, giặt sau khi đi làm nương rẫy. Sự gắn bó, tương trợ nhau để sinh tồn của 3 cây cổ thụ bồ đề-bằng lăng-k’tung từ bao đời nay như tượng trưng cho tinh thần đoàn kết chống chọi kẻ thù của các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội BVTN&MT tỉnh phấn khởi nói: “Sự kiện vinh danh cây di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân buôn Kroa B, bởi đây là một cụm cây cổ thụ được cộng đồng các dân tộc địa phương gìn giữ từ nhiều đời nay. Đó cũng chính là động lực để họ tiếp tục tham gia bảo tồn những loài cây quý và cũng chính là bảo vệ nguồn sống cho chính mình”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Việc cộng đồng buôn Kroa B gìn giữ, bảo tồn cụm 3 cây K’tung - bồ đề - bằng lăng từ bao đời nay cho thấy ý thức và quyết tâm của người dân là rất lớn. Do đó, khi cây đoàn kết được vinh danh cây di sản khiến mọi người đều vui mừng, phấn khởi. Đây là niềm tự hào của người dân địa phương nói riêng và của tỉnh Dak Lak nói chung bởi đó là cây di sản đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Có thể nói, việc công nhận “Cây di sản” là một động thái tích cực của Hội BVTN&MT Việt Nam nhằm bảo tồn những loài cây có ý nghĩa về mặt sinh học, môi trường, văn hóa. Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ những loài cây, nguồn gien đa dạng sinh học mà còn góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của mọi người và toàn xã hội trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thêm nữa, khi cây di sản được vinh danh sẽ còn là một điểm đến, một điểm dừng chân tham quan thu hút du khách tìm đến mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất mừng vì phong trào bảo tồn cây lâu năm được người dân và chính quyền địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Việc tổ chức công nhận vinh danh và gắn biển “Cây di sản Việt Nam” đối với cụm 3 cây cổ thụ này nhằm góp phần huy động, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam”.
Tuy nhiên, công tác phối hợp chăm sóc cây sau khi vinh danh cũng là một vấn đề đáng bàn bởi đây không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và người dân trong buôn mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Hiện nay, việc bảo vệ các loài cây quý trên địa bàn tỉnh dường như chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí và sự hiểu biết chưa thấu đáo của một số người dẫn đến thực trạng nhiều loài cây gỗ quý như sưa, cẩm lai, giáng hương, căm xe, thông nước… bị chặt phá làm suy giảm sự đa dạng sinh học rừng. Theo GS.TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, với điều kiện tự nhiên, thiên nhiên đa dạng, tỉnh Dak Lak có rất nhiều cây đủ tiêu chuẩn công nhận cây di sản chứ không riêng gì cụm 3 cây K’tung - bồ đề - bằng lăng. Để bảo tồn những loài cây quý này chúng ta phải “xã hội hóa” việc bảo vệ, trong đó người dân là trung tâm có trách nhiệm quản lý cùng sự giám sát của địa phương.
Thiết nghĩ, cây cổ thụ là tài sản vô giá, không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, mà còn là nét đẹp văn hóa, tâm linh. Bảo vệ cây là việc làm cấp thiết không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau.
Tam Giang
Ý kiến bạn đọc