Multimedia Đọc Báo in

Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

09:35, 25/01/2014

Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk luôn chú trọng đến vấn đề sản xuất sạch, thân thiện với môi trường thông qua các giải pháp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng và giảm đến mức thấp nhất tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty có công suất thiết kế 6.000 tấn/năm, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng và nguồn nước phục vụ sản xuất rất lớn, nên việc xử  lý tác động môi trường rất khó khăn. Chưa kể, việc chế biến mủ có sử dụng a-xít sẽ thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, nếu không đầu tư dây chuyền công nghệ cao thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân xung quanh nhà máy. Vì vậy, công ty luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường từ cấp quản lý đến các nhà máy, nông trường, đơn vị trực thuộc và luôn xem đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm xây dựng được một hệ thống quản lý môi trường vững mạnh. Theo đó, đơn vị đã đầu tư hệ thống dây chuyền xử lý môi trường bảo đảm các tiêu chí giảm tác động ô nhiễm cho nguồn nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn và chất thải nguy hại khác. Trong đó, để giảm ô nhiễm khí thải, tiếng ồn từ máy phát điện dự phòng, nhà máy đã cách ly khu vực máy phát với các khu vực khác, lắp đặt hệ thống cách âm, giảm thanh và gắn đệm cao su, thông gió nhà xưởng kết hợp với quạt thông gió cục bộ tại các khu vực phát sinh mùi hôi, thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, thiết bị máy móc sản xuất và chế biến mủ tạp trong ngày để hạn chế mùi hôi, cùng với xây dựng tháp hấp thụ xử lý mùi hôi, sử dụng Fe2O3 loại bỏ chất độc trong khí thải từ đáy tháp bị phân tán và được hấp thụ bằng đệm hấp thụ, đồng thời, nước sạch bơm lên tháp ở dạng tia nhỏ làm giảm các chất độc còn lại trong khí thải. Nhằm giảm tiếng ồn và độ rung cho dây chuyền chế biến mủ, đơn vị đã đúc móng bê tông cốt thép đủ khối lượng và độ sâu hợp lý, lắp đặt đệm cao su và lò xo chống rung đối với các thiết bị có độ rung lớn như máy cán, máy băm, bu-lon chân máy, sử dụng thiết bị đúng công suất, không vận hành máy móc khi bị quá tải.

Hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học của Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk.
Hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học của Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk.
 
Riêng chất thải rắn và chất thải nguy hại, nhà máy thu gom, phân loại và ký hợp đồng với đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định. Đặc biệt, nguồn nước thải từ sản xuất rất lớn, nên đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trị giá hơn 19 tỷ đồng, sử dụng phương pháp sinh học toàn diện, dùng vi sinh vật để chuyển hoá các chất gây ô nhiễm bằng quá trình lên men ô-xy hóa kỵ khí, ô-xy hóa hiếu khí và quá trình đồng hóa, không có sự tác động của hóa chất và các loại chế phẩm độc hại. Quá trình xử lý qua ba công đoạn chính: gạn mủ kết hợp xử lý sinh học kỵ khí, đồng hóa kết hợp xử lý sinh học kỵ khí và ổn định sinh học. Chị Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công ty cho biết, quá trình xử lý nước thải cũng rất kỳ công: nước thải từ chế biến mủ nước sẽ cho vào bể kỵ khí kết hợp, qua 9 bể tảo và đến 3 bể ổn định trước khi cho chảy ra suối Ea Huê; nước thải từ chế biến mủ tạp, mủ đông được cho vào bể lắng, qua bể kỵ khí, 9 bể tảo, 3 bể ổn định rồi mới xả ra môi trường.

Thời gian tới, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của hệ thống TCVN 01:2008, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành cao su vào sản xuất, chế biến sản phẩm đạt chất lượng cao bảo đảm vệ sinh môi trường một cách tốt nhất, nâng cao việc tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất gắn với sản xuất sạch và phát triển bền vững.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.