Gian nan canh giữ "báu vật" của rừng
“Báu vật” là cái cách mà anh em Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Thông nước ví von những cây thông nước (hay còn gọi là thủy tùng) – loài cổ thực vật duy nhất mà trên thế giới hiện chỉ còn ở Việt Nam. Cách ví von này thật không ngoa, bởi loài thông nước trên thế giới hiện chỉ còn ghi nhận tồn tại 161 cá thể, phân bổ tại 2 quần thể ở khu vực rừng đặc dụng Ea Ral (Ea H’leo) và Trấp K’sơr (Krông Năng) thuộc Dak Lak, Việt Nam. Và cái cách mà cán bộ Ban quản lý bảo vệ 2 quần thể này thì thông nước đúng là hơn cả báu vật.
"Báu vật" bị săn lùng
Theo PGS-TS Bảo Huy (Trường Đại học Tây Nguyên), chủ nhiệm đề tài Dự án bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng tại tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015 thì thủy tùng có tên khoa học là Glypostrobus pensilis thuộc họ Bụt mọc Taxodiaceae, là loài thực vật quý hiếm không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Quần thể tự nhiên thủy tùng hiện tại chỉ còn lại duy nhất ở Việt Nam. Thủy tùng có lịch sử phát triển hàng triệu năm nay nên đã có xu hướng thoái hóa, nhất là trong điều kiện sinh thái thay đổi như hiện nay. Nguy cơ tuyệt chủng của thủy tùng đã thấy rõ, khả năng tái sinh rất khó khăn...
Trên thế giới, thông nước hiện được ghi nhận chỉ còn tồn tại ở 2 quần thể rừng đặc dụng Ea Ral (Ea H’leo) và Trấp K’sơr (Krông Năng) tại Dak Lak với tổng cộng 161 cá thể. Trong đó, quần thể rừng đặc dụng Ea Ral còn tổng cộng 140 cây, quần thể Trấp K’sơr còn 21 cây. Hiện, những cá thể thông nước cuối cùng trên thế giới này đang được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt trước sự “nhòm ngó” của lâm tặc và sự săn lùng ráo riết của giới sành chơi đồ gỗ.
Quần thể thông nước ít ỏi trên thế giới còn sót lại ở Dak Lak đang bị săn lùng ráo riết. |
Nhiều người dân sống gần quần thể thông nước Ea Ral và Trấp K’sơr nhớ lại: Vào những thập niên 80-90, vùng này có bạt ngàn thông nước nhưng không mấy ai quan tâm. Bởi cây sống ở vùng đầm lầy, không thể chặt phá cây để lấy đất làm nương rẫy được, mà nếu dùng làm củi thì… khói rất nhiều. Người ta chỉ tận dụng cây thông nước để làm chuồng heo, chuồng gà, trồng trụ tiêu hoặc hàng rào như các loài gỗ tạp!…
Quý hiếm là vậy nhưng số phận của những cây thông nước ít ỏi còn lại trên thế giới chỉ mới “chính thức” bị báo động có nguy cơ tuyệt diệt cách đây chừng vài năm. Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng, trong một chương trình giải trí trên Đài Truyền hình Việt Nam phát ngày 5-6-2009 có thông tin cho rằng cây thông nước có thể chữa được bệnh ung thư. Kể từ đó, hàng trăm, hàng ngàn người từ khắp nơi kéo về Krông Năng và Ea H’leo để săn lùng thông nước. Kể từ đó đến nay, chưa nghe nói có thông tin kiểm định dược tính này, nhưng thông nước ngày càng bị săn lùng ráo riết để phục vụ cho thị hiếu sưu tầm đồ thủ công mỹ nghệ đang khiến cho những người làm công tác bảo tồn loài cổ thực vật này ngày đêm “mất ngủ”.
Để bảo vệ thông nước, tỉnh Dak Lak đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm hàng rào, lực lượng kiểm lâm bố trí thêm các trạm gác, các tổ kiểm lâm cơ động bảo vệ nghiêm ngặt. Vậy nhưng mọi nỗ lực của lực lượng chức năng cũng chỉ như “muối bỏ bể” bởi người ta vẫn không từ mọi hình thức, thủ đoạn để sở hữu được loài gỗ quý hiếm này, dẫu đó chỉ là một gốc cây khô, một đoạn rễ non…
Theo điều tra của Dự án bảo tồn loài - sinh vật cảnh thủy tùng tại tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015 (dự án hoàn thành vào tháng 12-2010) thì trên địa bàn Dak Lak còn 255 cây thông nước. Trong đó, quần thể Ea Ral còn 219 cây, quần thể Trấp K’sơr còn 31 cây và có 5 cây rải rác ở xã Cư Né (huyện Krông Buk). Ngày 19-1-2011, UBND tỉnh Dak Lak phê duyệt Dự án bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, mãi đến tháng 8-2012, Dự án này mới chính thức được triển khai hoạt động với việc ra mắt Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước, trụ sở đặt tại quần thể thông nước Ea Ral, xã Ea Ral (Ea H’leo). Xót xa thay, khi Ban quản lý này bắt tay vào nhiệm vụ thì số lượng thông nước chỉ còn lại tổng cộng 161 cây, trong đó quần thể ở Cư Né với số lượng 5 cá thể đã biến mất!
Gian nan canh giữ “báu vật” giữa rừng
Đến Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước xã Ea Ral một chiều cuối năm, dù đã hẹn trước nhưng tôi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ ngồi đợi ở trụ sở Ban do giám đốc bận đi… kiểm tra rừng. Gọi là trụ sở của Ban quản lý nhưng thực ra đây chỉ là một căn nhà cấp 4 tạm bợ chừng hơn trăm mét vuông, nằm lọt thỏm giữa rẫy cà phê của người dân. Căn nhà này trước đây là trạm bảo vệ thông nước của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, sau khi được bàn giao lại cho Ban quản lý đã được sửa sang gia cố lại thêm, vừa đủ cho 7 con người vừa ăn ở vừa làm việc.
Quá trưa, giám đốc Trần Xuân Phước cùng 2 nhân viên mới về đến sau một vòng tuần tra rừng. Trước mắt tôi là hình ảnh 3 con người với quần đùi, áo cộc, tay cầm gậy, chân bê bết bùn… giữa cái lạnh buốt da ngày cuối năm. “Công việc hằng ngày của chúng tôi là lội bùn, đếm cây. Cứ tưởng đơn điệu, tẻ nhạt nhưng thực ra là một công việc áp lực kinh khủng!” - anh Phước mở đầu câu chuyện canh giữ “báu vật” giữa rừng…
Để bảo vệ “báu vật”, cán bộ Ban Quản lý phải chia ca tuần tra liên tục trong rừng. |
Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước chính thức thành lập và đi vào hoạt động ngày 10-8-2012 với vỏn vẹn 9 biên chế chính thức. Ngày đầu thành lập, Ban nhận bàn giao khu rừng đặc dụng Ea Ral này từ Hạt Kiểm lâm Ea H’leo. Theo quy hoạch, khu rừng này có diện tích 40 ha, trong đó thông nước tập trung chủ yếu trong 3 ha khu vực hồ Ea Ral. Thông tin từ anh Phước cho hay, đến thời điểm này, Ban cũng chỉ mới nhận bàn giao số lượng 140 cây thông nước để bảo vệ chứ chưa hề được bàn giao hết diện tích theo quyết định quy hoạch. Tháng 3-2013, Ban tiếp tục nhận bàn giao quần thể thông nước Trấp K’sơ từ Hạt Kiểm lâm Krông Năng với diện tích 80 ha, số lượng cá thể thông nước là 21 cây.
Vì đặc tính của thông nước sinh trưởng trong sình lầy, rất khó đi tuần tra nên anh em trong Ban đã có sáng kiến mua ván bìa, tận dụng gỗ tạp… để đóng thành những “con đường nổi” ngoằn ngoèo trong bãi sình đến từng gốc thông. Gọi là đường đi nhưng nó giống một cái cầu nổi thô sơ hơn, luôn dập dềnh trên bùn nước. Muốn đi trên đường này, người đi phải chống thêm một cây gậy, nhưng chuyện trượt chân té cũng là bình thường. Làm đường xong, mọi người lại xắn tay dựng 4 chòi canh ngay giữa rừng, hằng đêm cắt cử người, chia ca nhau ngủ lại chòi đề phòng kẻ gian. Cẩn thận hơn, anh Phước còn đầu tư kéo điện chiếu sáng ra đến tận lõi rừng để soi từng cây thông nước vào buổi tối.
Công việc bảo vệ “báu vật” thông nước khó khăn vất vả là vậy, anh em lại còn phải đối diện với áp lực từ bên ngoài nên vô cùng căng thẳng. Anh Phước kể: “Những ngày mới về nhận nhiệm vụ tại đây, đã có nhiều người đến gặp và thẳng thừng ra giá: “Cứ cho một người vào rừng một tiếng đồng hồ sẽ được chung chi 3 triệu đồng”. Sau nhiều lần “đặt vấn đề” không được, một số người quay sang bóng gió hăm he, đe dọa. Biết không thể lay chuyển được ý chí anh em, giờ họ lại chơi chiêu “xua” trẻ con vào rừng. Nhờ cảnh giác nên chúng tôi đều phát hiện kịp thời và bàn giao đối tượng cho chính quyền địa phương xử lý…”. Trước tình thế người ít, diện tích quản lý nhiều, lại nằm ở hai địa bàn khác nhau nên Ban buộc phải hạn chế tối đa mọi chi tiêu để hợp đồng ngoài biên chế thêm 6 người nữa cùng bảo vệ rừng. “Chính vì lực lượng quá mỏng nên anh em tôi hầu như không có ngày nghỉ, kể cả thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, Tết. Cũng nhờ quyết tâm của anh em nên từ ngày tiếp quản việc bảo vệ rừng Ea Ral này đến nay, chưa có một “báu vật” nào bị xâm hại, thậm chí là một cành cây” - anh Phước tâm sự.
Dự định của anh Phước sắp tới là sẽ lắp đặt hệ thống chuông báo động, tiến đến là gắn camera để theo dõi thông nước từ xa. Nhưng đó cũng chỉ mới là ý tưởng, bởi nó còn liên quan nhiều đến kinh phí. Vậy nên, trước mắt, cán bộ Ban vẫn cứ phải cắt cử nhau ngày đêm “ôm” từng gốc thông nước giữa rừng sâu như ôm từng báu vật!
Trong nỗ lực bảo tồn cây thông nước, mới đây Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện thành công việc ghép chồi thông nước với cây bụt mọc, mở ra hy vọng lớn cho công tác bảo tồn và phát triển loài cổ thực vật đặc hữu này. Thông tin này được anh Trần Xuân Phước cho là “rất đáng mừng, nhưng chưa thể nói lên điều gì”. Theo anh Phước, thực tế khi đưa giống cây ghép này ra trồng thử nghiệm tại Ea Ral và Trấp K’sơr (tổng cộng 260 cây), cây có biểu hiện vàng lá, chết khi bị ngập nước. Trong khi đặc tính của thông nước chủ yếu sống trong vùng sình lầy...
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc