Biến đổi khí hậu: Tác động khó lường đang hiện hữu
Khí hậu đang có những thay đổi rõ rệt và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Dường như câu chuyện ấy vẫn còn khá xa lạ với nhiều người khi nó được coi là vấn đề mang tính vĩ mô. Nhưng thực tế, biến đổi khí hậu đang ở rất gần và hiện hữu cũng như tác động không nhỏ đến đời sống…
Nhìn từ những con số
Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng là khu vực nằm xa biển. Bởi vậy những cư dân ở vùng cao nguyên này trước đây thường yên tâm mà an cư khi không lo chuyện bão và mưa lũ. Nhưng nhiều năm trở lại đây, câu chuyện ấy đã có những hồi kết khác. Dù không ảnh hưởng trực tiếp của gió bão, song mưa và ngập lụt thì đã trở nên phổ biến hơn. Nhớ lại năm 2011, liên tục 6 tháng cuối năm, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và ngập lụt đã xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cuối tháng 5 đầu tháng 6, mưa to, gây lũ quét tại huyện Ea Súp; tháng 6 ngập úng tại huyện Lak và Krông Bông; cuối tháng 9 đầu tháng 10 do ảnh hưởng bởi rãnh áp thấp, hoàn lưu bão số 4, số 5, số 6 liên tiếp, kết hợp gió mùa tây nam hoạt động mạnh, gây lũ, lụt làm thiệt hại tại một số vùng thuộc các huyện Krông Năng, Ea H’leo và Lak; đầu tháng 11, mưa do ảnh hưởng của vùng áp thấp và nhiễu động của đới gió đông gây lũ, lụt làm thiệt hại tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar và Ea Súp; giữa tháng 12, mưa gây nên ngập úng làm thiệt hại tại các huyện Krông Bông và Krông Ana. Cũng là ngập lụt do mưa lũ, trong con số 95,7 tỷ đồng đồng thiệt hại năm 2012 thì riêng đối với sản xuất nông lâm nghiệp đã chiếm 95,1 tỷ đồng. Gần đây nhất là năm 2013, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn đã có những diễn biến bất thường. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Trung bình nhiều năm có từ 5-6 cơn bão thì riêng năm 2013 tổng số bão và áp thấp nhiệt đới là 15 cơn. Đặc biệt siêu bão Haiyan hồi tháng 11-2013 đã gây thiệt hại và làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Dak Lak. Riêng năm 2013, thiệt hại do ngập lụt trên 308 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường là một trong những biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Không chỉ có mưa lũ, hạn hán cũng ngày càng nghiêm trọng khi thời tiết thay đổi, nền nhiệt có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, giai đoạn từ năm 1996-2013, tổng thiệt hại do thiên tai đã lên đến con số trên 13 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng do hạn hán là khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Vụ đông xuân là vụ thu hoạch chính nhưng đây cũng là giai đoạn người nông dân phải chịu thiệt hại khi nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán. Mới đây nhất vụ đông xuân 2012-2013, con số thiệt hại đã lên đến trên 1 nghìn tỷ đồng với tổng diện tích cây trồng bị hạn là 37.142 ha. Trong đó các địa phương chịu thiệt hại nặng nề của hạn hán có thể đơn cử như Krông Năng 7.698 ha, phần lớn là cà phê; Lak 1.750 ha, diện tích mất trắng là 811 ha; Ea Kar 3.531 ha, mất trắng 963 ha… Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2014, thời tiết vẫn có những diễn biến phức tạp. Riêng tháng 3 là tháng cuối của mùa khô, thời kỳ đầu và giữa không mưa, thời kỳ cuối sẽ xuất hiện những cơn mưa dông nhiệt, nền nhiệt cao, gây nắng nóng khó chịu. Tháng 4 là tháng chuyển mùa, nền nhiệt cao bốc hơi mạnh góp phần cho hạn hán ở Dak Lak thêm gay gắt.
Đừng đổ lỗi hết cho biến đổi khí hậu
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, người ta thường đổ lỗi là do biến đổi khí hậu với hàm nghĩa dường như đây là nguyên nhân chính. Nếu xét ở góc độ nguyên nhân, thời tiết diễn tiến bất thường liệu có phải chỉ do biến đổi khí hậu hay không? Ông Bùi Văn Xứng, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh phân tích: Khí hậu là những diễn tiến có quy luật của thời tiết mà khí hậu biến đổi có nghĩa là thời tiết không còn theo quy luật nữa, điều đó có nghĩa là thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. Trái đất đang trải qua thời kỳ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ngoài nguyên nhân khách quan mang tính quy luật này thì nguyên nhân chủ quan là sự tác động thái quá của con người đến môi trường đã làm thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu nhanh và theo chiều hướng cực đoan hơn. Tình trạng phá rừng, ô nhiễm khí thải trong sinh hoạt, lao động, sản xuất đã làm phá hoại môi trường sống, hệ sinh thái không còn cân bằng tự nhiên nữa. Có thể nhìn nhận sự biến đổi khí hậu rõ nét ở Dak Lak, đó là lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn nhưng có cường độ lớn làm đỉnh lũ xuất hiện, gây nên tình trạng ngập úng nhanh khiến con người không kịp trở tay nếu không có sự chuẩn bị và chủ động trong phòng chống lũ.
Phá rừng, một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu |
Để đánh giá mức độ biến đối khí hậu và xây dựng các kịch bản ứng phó, đây là việc lớn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhận thức được tầm quan trọng, nguy cơ và hiểm họa của vấn đề, theo Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2-12-2008, Chính phủ đã xây dựng cả một chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện từ 2009-2015 với kinh phí khoảng 1.965 tỷ đồng. Từ định hướng chủ đạo, cơ sở pháp lý trên, các địa phương trong đó có Dak Lak cũng đã và đang bắt tay vào xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sẽ chẳng có kịch bản nào hoàn thiện và bền vững nếu mỗi người nhận thức không đầy đủ về vấn đề này. Và sự chung sức vào cuộc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể rất đơn giản chỉ bằng những hành động tiết kiệm nguyên nhiên liệu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trồng thêm nhiều cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Với những người làm nông nghiệp – một trong những lĩnh vực chịu sự chi phối lớn của yếu tố thời tiết, việc thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự nghiên cứu, xác định mùa vụ cho phù hợp hơn, đồng thời sản xuất phải thân thiện với môi trường.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc