Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ea Sar thiếu nước sinh hoạt

09:40, 27/05/2014
Trong thời gian qua, tình trạng khô hạn kéo dài khiến nhiều địa phương trong tỉnh thiếu nước tưới và nước sinh hoạt trầm trọng. Đặc biệt ở buôn Ea Sar, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số hằng ngày đang phải đi gánh từng thùng nước về sử dụng.
Hai em nhỏ giúp bố mẹ đi lấy nước phục vụ  cho sinh hoạt gia đình.
Hai em nhỏ giúp bố mẹ đi lấy nước phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Hơn một tháng nay, cứ mỗi buổi sáng sớm và chiều tối nhiều hộ dân ở buôn Ea Sar lại phải đi gánh nước ở các nhà khác, hay đi lấy nước ở các con suối gần đấy. Anh Y Thin B’yă, Trưởng buôn Ea Sar cho biết: “Buôn Ea Sar có 103 hộ dân nhưng có đến 80% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Giếng đào thì cạn nước; giếng khoan có nước lại bị nhiễm phèn không sử dụng được. Trong khi đó trên địa bàn xã lại chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Mặc dù vừa qua đã có 4 trận mưa nhưng cũng chẳng thấm vào đâu…”.

Buôn Ea Sar có tới 8 anh em dân tộc sinh sống, chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Thái…; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của UBND xã Ea Sar, năm 2013 buôn Ea Sar có tới 49 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo qua các năm giảm không đáng kể. Đời sống khó khăn nên việc đào giếng nước hay khoan giếng là điều không thể đối với nhiều hộ dân nơi đây bởi chi phí để đào một giếng nước là gần 30 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã dồn hết vốn liếng để đào giếng lấy nước sinh hoạt nhưng đào rồi lại gặp phải đá. Nhiều giếng khoan đến độ sâu từ 25-30m nhưng vẫn chưa có nước nên người dân đành bỏ dở và lại tiếp tục đi gánh nước về sử dụng.

Cũng như nhiều hộ trong buôn, gia đình chị H’Tư Niê phải đi gánh nước nhờ ở các giếng khác gần đó. Chị H’Tư than thở: “Gia đình tôi chỉ có 1 sào sắn để canh tác; nguồn thu nhập chính là dựa vào việc đi làm thuê cho người ta. Hằng ngày đi làm thuê về, vợ chồng tôi lại mang gùi đựng các chai lọ để đi lấy nước. Cả nhà 4 người phải tiết kiệm từng ca nước mới đủ dùng trong ngày…”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho biết: Tình trạng khô hạn trên địa bàn xã đang rất đáng lo ngại; đặc biệt là ở buôn Ea Sar, thôn 5, thôn 10. Hiện nay, trên địa bàn xã cũng chưa có công trình cấp nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân phải tự xoay xở kiếm nước sinh hoạt hằng ngày cho gia đình. UBND xã cũng đã xin huyện hỗ trợ kinh phí để đấu nối đường ống đến các thôn, buôn nhằm giúp người dân thoát khỏi tình trạng này…

Được biết, xã Ea Sar vừa mới thoát khỏi diện khó khăn vào năm 2012, nên việc phát triển kinh tế, xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt nơi đây tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác phát triển, vận động người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, sức khỏe của con người. Về lâu dài, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần có phương án xây dựng các công trình cấp nước tập trung, cùng với hệ thống ống dẫn đến các hộ gia đình để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi đây. Tỉnh, huyện cũng nên có phương án hỗ trợ kinh phí để nước sạch về với buôn làng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có cuộc sống cải thiện hơn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Thanh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.