Multimedia Đọc Báo in

Khoan giếng: Mạnh ai nấy khoan!

09:51, 14/05/2014

Mực nước ngầm ở Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng đang ngày càng sụt giảm nhưng không thể đổ lỗi hết cho biến đổi khí hậu. Bởi theo phân tích của các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân có tác động lớn đến sự biến động tài nguyên nước ngầm là do con người, trong đó có tình trạng khoan giếng tràn lan, thiếu quản lý, giám sát...

Hơn 20 năm làm cà phê cũng là ngần ấy thời gian, cứ đến mùa tưới, gia đình anh L.H.T ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin phải đi thuê máy, rồi trả tiền điện, nước tưới cho một số hộ gia đình xung quanh. Vụ tưới vừa rồi, anh đã quyết định khoan giếng để chủ động trong việc tưới cho cà phê. Nhưng cũng phải vất vả thực hiện hai mũi khoan, sâu cả gần 100 m với tổng chi phí gần 60 triệu đồng anh T. mới có được một giếng khoan đủ nước tưới. Dù khá tốn kém nhưng theo anh T. cũng là may mắn bởi một số hộ trong vùng còn khoan mãi mà chưa thấy nước. Khi được hỏi, khoan giếng như thế này anh có làm các thủ tục xin cấp phép cấp có thẩm quyền thì anh T. mới ngớ người vì anh chỉ nghĩ đơn giản: khoan giếng trên đất nhà mình, kinh phí của mình thì không phải xin phép ai cả. Có lẽ sự ngạc nhiên của anh T. cũng không phải quá lạ mà còn có thể coi là rất phổ biến hiện nay. Một khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 thuộc Liên đoàn Quy hoạch Điều tra Tài nguyên Nước miền Trung cho thấy: Ở Dak Lak nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, các lỗ khoan được tiến hành tùy tiện, không có tổ chức giám sát, không nắm được đặc điểm địa chất thủy văn và có trường hợp dẫn đến tháo khô tầng chứa nước bên trên.
 
Việc khai thác nước ngầm hiện đang tồn tại một số dạng như: Khai thác nước đơn lẻ do các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy... tự khoan, phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất của đơn vị. Loại hình này thường là các giếng khai thác công nghiệp đường kính vừa, mỗi đơn vị có thể có từ một đến vài giếng khoan, lưu lượng khai thác thường không lớn từ 50 – 1.000 m 3/ngày đêm, chế độ khai thác từ 8 – 10 giờ/ngày. Còn với dạng khai thác nước nông thôn, đa phần các lỗ khoan đường kính nhỏ, dùng bơm điện chìm công suất nhỏ theo phương thức mỗi cụm dân cư 1 giếng, lưu lượng mỗi giếng dao động trong khoảng 0,5 - 3m 3/ngày. Thống kê không đầy đủ, chỉ riêng các xã ngoại thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có hàng trăm giếng loại này. Theo số liệu điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.000 giếng khoan, hàng trăm nghìn giếng đào. Điều đáng nói là các công trình khai thác nước dưới đất (trừ một số cơ sở khai thác tập trung lớn) kể cả khai thác công nghiệp và cả cấp nước sinh hoạt nông thôn, nước tưới trong nông nghiệp đều không có quy hoạch khai thác lâu dài và hầu hết chưa được cấp phép. Trước tình trạng nước sinh hoạt thiếu hụt vào mùa khô trong một vài năm trở lại đây, ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Dak Lak cũng rất trăn trở về tình trạng khoan giếng tràn lan, thiếu kiểm soát. Ông Thiện cũng cho rằng, đào rồi khoan giếng là biện pháp để tìm nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nhưng cũng là hiểm họa đe dọa đến tài nguyên nước ngầm.
Do mực  nước ngầm  sụt giảm mạnh nên đã gây ra  tình trạng  cạn kiệt  nguồn nước, ảnh hưởng  bất lợi đến sản xuất  và đời sống.   Ảnh bên: Thiếu nước sinh hoạt, người dân huyện  Krông Bông phải dùng  xe cày  chở đồ dùng  ra suối rửa, giặt giũ.
Mực nước ngầm sụt giảm mạnh đã gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống. Trong ảnh: Thiếu nước sinh hoạt, người dân huyện Krông Bông phải dùng xe cày chở đồ dùng ra suối rửa, giặt giũ.

Trên thực tế, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nước ngầm, hệ thống luật pháp của chúng ta đã có các luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường... Hay Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và khoáng sản cũng quy định khá chi tiết mức phạt đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định. Thậm chí, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt đến 5 triệu đồng và tịch thu phương tiện khai thác nước trái phép. Văn bản quy định là vậy nhưng trên thực tế, mức độ đi vào cuộc sống còn rất chậm. Còn nhiều người dân chưa biết các quy định trong sử dụng, khai thác tài nguyên nước chứ chưa nói là chấp hành triệt để. Trong khi đó, nhân lực để làm công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất còn quá mỏng nếu không nói là ở cấp huyện thị chưa có hoặc thiếu cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực này.

Tài nguyên nước ngầm không phải vô tận, vì vậy để bảo vệ nguồn nước này trước hết ngành chức năng cần tham mưu với chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về Luật Tài nguyên nước, tầm quan trọng của nguồn nước ngầm cũng như những hệ lụy của việc khai thác tùy tiện. Tập huấn kỹ thuật cho các tổ chức cá nhân việc trám lấp giếng không sử dụng đúng quy trình để hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Chính quyền cơ sở cần tăng cường giám sát hoạt động khai thác nước ngầm trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và như đề xuất của ông Lê Ngọc Đỉnh, Đoàn trưởng Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704: Về lâu dài cần phải có quy hoạch khai thác sử dụng nước. Quy hoạch để khống chế, để chỉ ra xem mỗi vùng chỉ được dùng bao nhiêu, phân bổ bao nhiêu...

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc