Multimedia Đọc Báo in

Hồ Lak có còn mênh mông!?

14:24, 28/05/2014
"Hồ Lak đâu rồi?” - ông Đàng Năng Long, chủ Du lịch Vân Long ở khu du lịch sinh thái hồ Lak, buồn bã thuật lại lời của một người bà con vốn từng sinh ra và lớn lên bên hồ Lak.
 
Sau mấy mươi năm trở về nước, người ấy không khỏi ngạc nhiên khi hồ Lak đã không còn như trong tiềm thức. Chẳng mấy xa xôi, có những người mưu sinh ở Sài Gòn, lâu lâu có dịp về thăm nhà cũng thấy ngỡ ngàng khi hồ Lak mỗi ngày ít nhiều đã thay đổi. Người ta bảo khoảng những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hồ Lak còn nguyên sơ lắm, sóng nước mênh mông, ràn rạt vỗ vào bờ. Nước hồ trong và lạnh, nhìn rõ cả những loài rong rêu – bảo bối mà thiên nhiên ban tặng để giữ cân bằng sinh thái cho hồ. Giờ thì nhiều vùng đệm xung quanh hồ đã trở thành nơi canh tác, cấy lúa của cư dân. Áp lực dân sinh, áp lực của việc canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tình trạng rửa trôi đất, bùn, dư lượng thuốc thải xuống lòng hồ. Bà Mai Thị Phụng, 10 năm gắn bó với khu du lịch hồ Lak bằng nghề bán hàng lưu niệm, tạp hóa cho hay: Hồ Lak ngày càng hẹp, không còn hoang sơ như trước nữa. Dân thấy nước cạn thì trồng lúa nên một số vùng không còn nhận biết được đó là hồ hay ruộng nữa.
Hồ Lak ngày càng cạn do bị bồi lắng.
Hồ Lak ngày càng cạn do bị bồi lắng.

Ngoài yếu tố văn hóa, quy mô, diện tích, hồ Lak thêm hấp dẫn còn chính bởi có sơn thủy hữu tình. Hồ chạy bao quanh núi. Khi rừng còn xanh ngắt cộng với cái mênh mông sóng nước đã làm nên một khu sinh thái tuyệt đẹp. Rừng bị phá, mỗi mùa mưa đến đất đá bị xói mòn và hồ Lak trở thành chiếc chảo khổng lồ chứa đất. Cứ vậy lòng hồ ngày càng bị bồi lắng nghiêm trọng. Các loài rong rêu trong hồ theo đó mà cũng dần vắng bóng. Chị H’Binh ở buôn Jun cho hay, nhà chị có khoảng 3 sào lúa ở bên kia hồ. Khoảng 2 năm nay, lòng hồ cạn trông thấy nên vụ lúa đông xuân thay vì dùng thuyền, chị phải đi theo đường bộ mất 5-6 km để sang bên đó chăm sóc lúa. Cùng với tình trạng hồ Lak bị xâm canh, bồi lắng, việc khai thác mang tính tận diệt do sử dụng những phương tiện đánh bắt như xung điện cũng khiến tài nguyên thủy sản và môi trường trong hồ bị ảnh hưởng. Trăn trở về tình trạng này, nhân Đại lễ Phật đản 2014, các phật tử Chùa Liên Sơn trên địa bàn huyện đã mua cá về phóng sinh trong hồ. Còn ở góc độ quản lý văn hóa, thông tin tuyên truyền, ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng Phòng Văn hóa  - Thông tin huyện cho biết Phòng phối hợp với các phòng ban chức năng của huyện cũng ra quân làm công tác tuyên truyền lưu động, đặc biệt đối với những ngư dân, những cư dân sống quanh khu vực hồ để góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Lak.

Theo con số thống kê trước đây, hồ Lak có tổng diện tích khoảng 650 ha và được mệnh danh là hồ nước ngọt nằm trong top đầu của Việt Nam, nhưng do bị bồi lắng, xâm canh, con số ấy hiện chỉ còn vào khoảng 500 ha. Là một trong số điểm đến nổi tiếng về du lịch của Dak Lak, với hàng chục đơn vị đang tham gia khai thác du lịch hồ Lak, giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động địa phương, trong tương lai điều gì sẽ xảy ra khi mức độ thu hẹp, bồi lắng của hồ Lak ngày càng lớn nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời? Theo ông Đàng Năng Long, giải quyết bài toán này không phải là chuyện riêng của bất cứ một đơn vị khai thác du lịch nào mà cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều ban, ngành. Trong đó để trả lại diện tích mặt nước cho hồ Lak, băn khoăn nhất của ông Long là vấn đề sinh kế người dân đang canh tác tại vùng đệm của hồ. Nhưng thiết nghĩ có lẽ là chưa đủ nếu không sớm trồng và bảo vệ những diện tích rừng xung quanh hồ Lak. Nhiều người hy vọng, với những gì bàn thảo trong Hội nghị phát triển du lịch huyện Lak giai đoạn 2014-2020 được tổ chức mới đây, du lịch huyện Lak trong đó hồ Lak là một điểm nhấn sẽ có diện mạo, hơi thở mới…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.