Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn phá rừng ở vùng biên Ia J'lơi

10:40, 03/06/2014

Nằm cách đường nhựa, đường tuần tra huyết mạch và trạm quản lý bảo vệ rừng không xa là mấy nhưng nhiều cây rừng trên địa bàn vùng biên Ia J’lơi (huyện Ea Súp) đã bị đốn hạ, nằm ngổn ngang trên đường…

“Miếng mồi giữa sa mạc...”

Những xe cày chất đầy gỗ nằm phơi mình giữa sân UBND xã Ia J’lơi; trong khuôn viên của phân trường 3 và cả trụ sở của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’mơ. Đó là những gì đập vào mắt khi chúng tôi mới đặt chân đến cổng các đơn vị này để liên hệ làm việc. Bấy nhiêu cũng đã đủ cho thấy phần nào mức độ tàn sát rừng ở đây “nóng” đến như thế nào.

Quãng đường từ trụ sở UBND xã Ia J’lơi vào phân trường 3 của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’mơ dài chừng 15 km. Cách trụ sở của phân trường này chưa đầy 1 km, chưa cần phải vào sâu trong  rừng, ngay trên đường lớn, những vạt rừng tan hoang, cây rừng bị cưa đốn, đổ ngổn ngang. Nhiều cây gỗ dầu có đường kính khoảng 50 cm đã bị đốn hạ nhưng lâm tặc đã bỏ lại và nguyên nhân chính là do cây bị bọng (bị rỗng ruột) nên nó bị coi là… vô tác dụng! Trong khi đó theo anh Đinh Thanh Quyết, cán bộ kỹ thuật của Công ty, để có được những cây gỗ như vậy cũng phải mất đến cả trăm năm. Bên cạnh những cây to, nhiều cây gỗ nhỏ có đường kính từ 9-18 cm cũng bị chặt hạ không thương tiếc.

Những xe gỗ  bị bắt giữ tại  Phân trường 3 của  Công ty TNHH Một  thành viên  lâm nghiệp  Ea H’mơ.
Những xe gỗ bị bắt giữ tại Phân trường 3 của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’mơ.

Anh Lữ Văn Tâm, cán bộ của phân trường 3 cho biết: Phân trường gồm 4 người được giao quản lý bảo vệ gần 4000 ha rừng thuộc Tiểu khu 160. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên việc bảo vệ rất khó khăn, tuần tra đường này thì lại bỏ trống đường khác, các đối tượng luôn lợi dụng sơ hở này để vào khai thác, đó là chưa kể chúng ngày càng liều lĩnh, manh động.

Không chỉ có Tiểu khu 160 rơi vào tình cảnh này. “Khai thác trắng thì không nhưng khai thác tỉa thì hầu như địa bàn nào cũng có” - Giám đốc  Công ty TNHH Một thành viên Ea H’mơ Huỳnh Văn Mến cho hay. “Rừng của Ea H’mơ như miếng mồi, cánh đồng giữa sa mạc”, ông Mến ví von một cách đau xót trước thực tế nhiều địa bàn giáp ranh rừng do Công ty của ông quản lý đã không còn rừng tự nhiên nên rừng của Ea H’mơ đã trở thành nơi các đối tượng lâm tặc thường xuyên “viếng thăm”. Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’mơ đang quản lý và bảo vệ 17.699,8 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên và chia thành 20 tiểu khu nhưng chẳng tiểu khu nào còn được “bình yên” khi khoảng 4 năm trở lại đây, dù rừng đã đóng cửa, đã dừng chỉ tiêu khai thác đối với các công ty lâm nghiệp nhưng tình trạng vi phạm tài nguyên rừng có chiều hướng gia tăng, chất lượng rừng ngày một suy giảm nghiêm trọng. Năm 2013, trên địa bàn rừng do Công ty quản lý đã phát hiện 4 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 10 vụ đưa phương tiện vào rừng trái phép, 19 vụ cất giữ lâm sản trái phép, thu giữ 43 cưa xăng, 10 xe súc vật kép, 3 xe máy cày và 105,8 m3 gỗ các loại. Còn từ đầu năm 2014 đến nay đã phát hiện 3 vụ đưa phương tiện vào rừng trái phép, 5 vụ cất giữ lâm sản trái phép, thu giữ 10 cưa xăng và 23,1 m3 gỗ các loại. Đáng báo động khi nhiều loại gỗ quý ngày càng vắng bóng nếu không nói là gần như không còn, chủ yếu là gỗ dầu, một cán bộ của Công ty khẳng định.

Chủ rừng “kêu trời”!

Ông Huỳnh Văn Mến, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H’mơ thừa nhận, tình trạng khai thác, xâm phạm tài nguyên rừng trên địa bàn vô cùng nhức nhối. Công ty đã thường xuyên tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát. Ngay bản thân ông là giám đốc cũng suốt ngày lặn lội trong rừng. Nhưng việc quản lý bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn khi diện tích rừng quản lý rộng, địa bàn giáp ranh hầu như không còn rừng, đã chuyển đổi trồng cao su, các đối tượng xâm phạm vào rừng từ mọi phía. Trong khi đó, lực lượng của Công ty mỏng lại thiếu chế tài, thiếu công cụ hỗ trợ nên rất khó ngăn chặn. Việc phối hợp với kiểm lâm, địa phương cũng có những bất cập, chỉ đơn cử như khi phát hiện đối tượng, không có sóng điện thoại để liên lạc, đến khi liên lạc được, lực lượng vào hỗ trợ đến nơi thì đối tượng đã tẩu tán.

a
Những cây gỗ dầu bị chặt hạ, đổ ngổn ngang trên đường tuần tra huyết mạch của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea H'mơ

Nhưng theo như ông Mến thì khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến việc tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty hiện nay là vấn đề tiền lương. Từ năm 2011 đến nay không có chỉ tiêu khai thác, kinh phí hoạt động của Công ty chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với diện tích rừng phòng hộ là 3.225,4 ha (645 triệu đồng/năm) và rừng sản xuất nghèo kiệt là 5.187,2 ha (526 triệu đồng/năm). Diện tích rừng nghèo, trung bình còn lại là hơn 9 nghìn ha không có kinh phí hỗ trợ trong khi Công ty vẫn phải tổ chức tuần tra quản lý bảo vệ. Với mức hỗ trợ ấy, Công ty chỉ đủ trang trải lương, chế độ bảo hiểm và các chi phí quản lý bảo vệ rừng khác cho 13 trên tổng số 29 cán bộ công nhân viên Công ty. Để có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên, Công ty đã phải bán hết cả đàn bò 300 con. Với tình hình này chưa biết sắp tới sẽ xoay sở như thế nào, ông Mến lo lắng và đề nghị địa phương, các ban ngành chức năng nghiên cứu, bố trí đủ kinh phí để hỗ trợ Công ty bảo đảm trang trải đủ cho số người lao động. “Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty được coi là bán chuyên nghiệp nhưng cũng hoạt động như kiểm lâm nên cần có chế độ chính sách bảo đảm cũng như được trang bị về phương tiện, vũ khí…”, ông Mến nói.

Chia sẻ với những khó khăn của Công ty nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là dù có nói thế nào đi nữa thì mất rừng, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về chủ rừng. Và được biết, trước tình trạng xâm chiếm, khai thác tài nguyên rừng có chiều hướng gia tăng, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền các hộ dân sống gần rừng; phối hợp với các lực lượng khác một cách kịp thời, đồng bộ hơn, thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường xác định rõ trách nhiệm mỗi phân trường, mỗi cán bộ đảng viên và người lao động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.