Ô nhiễm từ những nhà máy xay xát lúa gạo ở thôn Xóm Huế: Bao giờ chấm dứt?
Hơn 10 năm nay, các cơ sở xay xát lúa gạo tự phát trên địa bàn xã Dak Liêng (huyện Lak) hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân thôn Xóm Huế, buôn Yuk và buôn Bàng.
Các hộ dân ở đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Dak Liêng, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Lak yêu cầu di dời các điểm kinh doanh này ra khỏi khu vực dân cư để không ảnh hưởng đến đời sống bà con, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Được biết, các nhà máy này ngoài việc xay xát lúa, gạo với công suất lớn, còn xay cám vào ban đêm, vỏ trấu từ các nhà máy xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài, bụi cám bay vung vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần gặp gỡ, yêu cầu các hộ kinh doanh phải xây tường bao, che chắn nhà kho, không xay xát quá khuya gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và học hành của trẻ em trong thôn, nhưng chủ các cơ sở này vẫn phớt lờ. Theo quan sát, chỉ chưa đầy 1km dọc Tỉnh lộ 687 đi qua địa bàn thôn Xóm Huế đã có tới 10 nhà máy xay xát lớn, nhỏ mọc lên. Theo người dân địa phương, các cơ sở này hoạt động quanh năm, thường bắt đầu từ 3 giờ sáng đến tối mịt (thời gian cao điểm, hoạt động suốt ngày đêm), ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng cuộc sống của họ. Một số nhà máy như Xuyên Hiếu, Thảo Nga, Thiện Thúy, Tâm Thuấn… khi hoạt động còn xả trực tiếp vỏ trấu xuống kênh mương, bụi cám không được xử lý bằng biện pháp gom gọn hoặc phun sương, mà xả trực tiếp ra môi trường qua các ống dẫn, luôn vượt mức từ 5 đến 10 lần độ chuẩn cho phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như sản xuất của người dân. Khi bị kiểm tra, nhắc nhở, các nhà máy đã xây một tường chắn bụi, hệ thống nhà xử lý trấu nhưng chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng, còn bụi bẩn thì vẫn thoát ra ngoài.
Các kênh mương bị ô nhiễm do cơ sở xay xát xả trấu ra môi trường. |
Điều lo ngại khác là cách các cơ sở xay xát chưa đầy 100m là Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, nơi đang có 230 học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học. Cô Trần Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: hàng ngày, trường luôn phải hứng chịu những đợt bụi cám từ các nhà máy phát tán; có hôm giờ ra chơi các em phải ngồi trong lớp, vì ra sân hít phải bụi cám sẽ bị ho hoặc áo trắng các em sẽ dính bụi bẩn, có khi chuyển sang màu vàng. Lo lắng về tình trạng sức khỏe cũng như việc học tập của các em, nhiều lần Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã gửi đơn đề nghị các cấp chính quyền cần có biện pháp giải quyết sớm để cho các em yên tâm học tập.
Ông Nguyễn Tấn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Dak Liêng (huyện Lak) cho biết, các nhà máy xay xát đều tự phát mọc lên ở khu dân cư, không nằm trong quy hoạch của địa phương. Từ khi đi vào hoạt động các cơ sở này đều có cam kết việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một số hộ đã không tuân thủ quy định nên lãnh đạo địa phương đã nhiều lần xuống tận nơi để kiểm tra, nhắc nhở cơ sở lắp đặt hệ thống phun sương, xử lý trấu, không cho phun trực tiếp xuống các mương nước, và huyện cũng đã quy hoạch khu đất trống cách xa khu dân cư để di dời các nhà máy đến đó, nhưng đã hơn 10 năm rồi chủ các cơ sở xay xát vẫn không muốn di chuyển (!) Lý do họ đưa ra là do địa điểm mới nằm cách xa khu dân cư, không thuận tiện trong việc thu mua, vận chuyển lúa, gạo...
Hơn 10 năm nay, người dân thôn Xóm Huế vẫn phải “sống chung với bụi” do các nhà máy xay gây ra, đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết triệt để nhằm trả lại môi trường trong lành cho người dân địa phương. Có như vậy mới tránh được tình trạng bất bình, bức xúc kéo dài trong nhân dân...
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc