Săn trái ươi rừng
Cơn sốt săn trái ươi từ các tỉnh miền Trung đã lan đến Tây Nguyên, khi thời gian gần đây nhiều người dân các xã Ea Trang, Cư San...… (huyện M’Drak) rủ nhau vào rừng chặt phá cây ươi lấy trái bán đã để lại những hệ lụy dài lâu...
Đi hái lộc rừng
Trong vai là sinh viên ngành lâm nghiệp đi thực tế, chúng tôi tiếp cận được với một người chuyên đi hái ươi tại buôn M’Jui, xã Ea Trang tên là Ama Tr. Gặp khách lạ tò mò về trái ươi, anh bảo đứa con nhỏ bốc nắm trái khô cho chúng tôi xem rồi giới thiệu: trái này khoảng 7 năm mới ra một lần nên được coi là lộc của rừng ban cho. Những mùa trước giá thấp nên ít người đi hái, năm nay giá ươi lên đến 100 – 150 ngàn đồng/kg (trái khô) nên nhiều người vào rừng hái ươi. Cây này có 2 loại là ươi trâu và ươi sẻ, trong đó, ươi trâu quả to, đẹp nên giá bán cao hơn, những trái chín rụng xuống đất, người đi lấy ươi gọi là ươi bay. Do cây ươi rất cao, nên người ta đốn hạ cây để hái trái cho nhanh. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi vào rừng để tận mắt nhìn thấy loại cây này, Ama Tr. tỏ ra ái ngại, nhưng vì chia sẻ với niềm đam mê “nghiên cứu” của chúng tôi nên anh cũng xiêu lòng cho đi theo một đoạn để được mục sở thị cây ươi hình thù ra sao.
7 giờ sáng, nhóm hái ươi của Tr. đã chuẩn bị xong xuôi thức ăn, nước uống và bao tải cho một ngày đi rừng lấy ươi. Nhóm gồm 6 người đi theo quốc lộ 26 hướng về TP. Buôn Ma Thuột đến cầu số 11 thì sẽ vào rừng khu vực giáp ranh giữa 2 xã Ea Trang và Cư San. Đường vào rừng dốc, đá lởm chởm, nhiều chỗ lầy lội vì mới mưa xong, có đoạn xe chúng tôi phải đi số 1 và vặn hết ga mới qua được. Đi quanh co qua hết mấy quả đồi trồng keo, mỳ thì đến bìa rừng; chỉ tay về cánh rừng phía trước, một người đi săn ươi bật mí: “Những đám cây đỏ nổi bật giữa rừng chính là cây ươi, vì loại cây này rất cao, màu đỏ là màu của mũ trái ươi già, cứ nhìn theo màu đỏ và xác định phương hướng để đi”. Lúc này, chúng tôi cũng gặp nhiều nhóm khác đi hái ươi; trong những lùm cây bên đường nhiều người bỏ xe máy lại đi bộ vào rừng sâu tìm ươi. Từ đây, chúng tôi bắt đầu chứng kiến nhiều cây ươi lớn bị “ươi tặc” cưa đổ, cành bị chặt, lá đã héo.
Một người đi lấy ươi đang xem cây ươi trước khi hạ xuống để hái trái. |
Đi được một đoạn, chúng tôi bị chắn lại bởi một cây ươi dài khoảng 15 m, đường kính gần 40 cm bị hạ nằm ngang đường. Anh Y H. Hmok, một người đi săn ươi cho biết, cây này bị hạ khoảng gần 1 tuần, nhìn cây to chừng này chắc thu được hơn 30 kg trái. Gần đó, anh Tr. đang nhìn lên cây ươi cao chót vót, xen giữa những cây rừng khác, tuy nhiên xem xong anh lắc đầu đi tiếp, vì quả ít quá, không bõ công hạ. Đi đến đây, đường rừng quá xấu, chiếc xe máy của chúng tôi không thể đi tiếp nên bị nhóm săn ươi bỏ lại. Chúng tôi bỏ xe lại đi bộ theo con đường mòn vào sâu trong rừng và chứng kiến nhiều cây ươi lớn đã bị hạ, có cây đã hạ đổ nhưng vướng dây leo chằng chịt nên vẫn còn nằm trên cao. Dọc đường, chúng tôi gặp thêm một số người đi lấy ươi, thấy người lạ, một người ghé lại “hỏi thăm” chúng tôi với thái độ đầy nghi ngờ, nhưng sau đó anh cũng cởi mở hơn. Anh cho biết: nhà ở buôn M’Háp, xã Ea Trang, 2 cha con vào rừng hái ươi đã được gần 1 tháng, nhiệm vụ của anh là tìm cây rồi hạ xuống còn đứa con trai thì hái trái, mỗi ngày cũng được gần 100 kg, với giá bán hiện nay cũng kiếm được tiền triệu.
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng triệt hạ cây ươi
Cây ươi tập trung nhiều trên rừng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, thời gian sinh trưởng từ 25-30 năm mới cho trái, sau đó cứ 5-7 năm thì cây ươi mới cho trái vụ tiếp theo. Gần đây, nhiều người dân đổ xô vào rừng khai thác ươi và tình trạng mua bán thường xuyên khiến cho loại “vàng xanh” này lên cơn sốt. Đi dọc quốc lộ 26 đoạn từ đầu xã Ea Trang đến sát đèo Phượng Hoàng những ngày đầu tháng 7, có thể thấy trái ươi được phơi như cà phê trước sân, hay chất từng bao ở trong nhà, tại các quán giải khát ven đường, ở đâu cũng nghe nói về trái ươi. Ở đây, mỗi ngày có hàng trăm người vào rừng lấy ươi bán kiếm tiền. Trước đây, giá ươi thấp, chủ yếu người ta đi nhặt ươi bay khi rảnh rỗi, năm nay giá cao nên nhiều người bỏ việc nhà kéo nhau vào rừng săn ươi từ non đến trái chín. Trên quốc lộ 26, khu vực gần chốt kiểm dịch động vật đèo Phượng Hoàng, ban đêm có nhiều người chở từng bao tải ươi từ các hướng về nhập cho thương lái đã có ô tô tải chờ sẵn. Anh M. – một người buôn ươi cho biết, anh đi mua được 3 bao nhưng chỉ bán 1 bao, còn lại để chờ giá lên mới bán. Chủ một quán tạp hóa ven đường cho hay, ươi được thu gom chở về Khánh Hòa rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Các tiểu thương đi gom trái ươi của dân vào ban ngày, ban đêm chở đến nhập để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, địa điểm tập kết thường là khu vực gần cây xăng H’win H’Dok tại ngã ba đường Ea Trang đi Cư San và mỏ đá 29 trên quốc lộ 26. Chúng tôi gặp một người tên H. ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đến huyện M’Drak thu mua ươi, anh này cho biết: sau khi thu mua ươi của dân thì chở về Nha Trang bán, anh mua ươi tươi giá 50.000 đồng/kg và trái khô 150.000/kg, về bán lại với giá 250.000 đồng/kg trái khô. Những năm trước, ít người đi mua nên anh dễ gom hàng, năm nay giá cao, nhiều người mua nên phải mua lại từ các thương lái địa phương, giá tăng liên tục.
Trái ươi phơi trước sân nhà một người dân ở xã Ea Trang, huyện M'Drak. |
Ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm M’Drak cho biết, trên địa bàn huyện, cây ươi mọc ở các xã Ea Trang, Cư San, Ea H’Mlay. Cây ra trái từ năm 2007 rồi ngừng, đến nay mới có trở lại. Đây là cây gỗ tạp, nếu người dân nhặt trái rụng hoặc hái bằng cách dùng khèo thì không sao, nhưng nhiều người hạ cây lấy trái làm ảnh hưởng đến an ninh rừng và an ninh trật tự trên địa bàn huyện; và hậu quả là đã có 1 người chết và 2 người bị thương do bị cây ươi ngã đè lên người. Hiện, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm truy quét, ngăn chặn tại gốc tình trạng chặt ươi, phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền người dân không được chặt phá cây ươi...
Một số người đi lấy ươi cho biết, nếu cây ươi bị chặt nhánh thì khoảng 9 năm sau mới cho trái, còn nếu chặt gốc thì phải 20 - 30 năm sau cây mới nứt lại, đủ sức ra trái, có cây ươi sau khi bị chặt sẽ chết luôn. Được biết, cây ươi có tên khoa học là Sterclia lyhnophora, dân gian hay dùng trái này ngâm nước có pha ít đường dùng để giải khát. Còn trong y học, ươi có vị ngọt, tính mát, thông độc tác dụng chính là thanh nhiệt, dùng chữa trị đau cổ họng, khàn tiếng, tắt tiếng, da khô do nóng nhiệt, ho, chảy máu cam. Vì vậy, người dân cần có ý thức cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ rừng, bảo vệ cây ươi để gìn giữ nguồn lợi này.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc