Multimedia Đọc Báo in

Tận diệt kỳ đà ở Vườn Quốc gia Yok Đôn

10:07, 14/07/2014

Khu vực rừng thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn chưa hết “nóng” về chuyện lâm tặc khai thác gỗ thì thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều nhóm đối tượng ngang nhiên mang theo cả chó vào rừng để săn bắt kỳ đà trái phép...

Theo dấu chân thợ săn

Không cần sử dụng đến dụng cụ săn bắt có tính sát thương cao như súng săn, cung, nỏ và mũi tên có tẩm thuốc mê, thuốc độc…, người đi săn chỉ cần những chiếc bẫy lưới đơn giản, cộng thêm chó săn là đủ cho quá trình đi săn kỳ đà diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Chó săn thường được chọn lựa từ giống chó của người Mông. Loài này có bản tính hung dữ, sống theo bầy đàn, mặc dù có hình dáng và trọng lượng nhỏ nhưng khi đã được huấn luyện thì chúng trở thành những “thợ săn” rất thiện nghệ. Nhiều loài thú rừng lớn như nai, heo rừng, mang, đến những loại thú nhỏ như sóc, nhím, dúi, rắn, kỳ đà… khi bị chúng phát hiện cũng đều khó thoát khỏi kết cục bi thảm.

Các  thương lái tìm mua  cả những con kỳ đà nhỏ có trọng lượng khoảng 300gam.
Các thương lái tìm mua cả những con kỳ đà nhỏ có trọng lượng khoảng 300gam.

Theo chân một nhóm người đi săn ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) chúng tôi đã có dịp mục sở thị quá trình săn bắt kỳ đà tại khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn. Các nhóm thợ săn thường đi theo tốp khoảng 3-5 người, dẫn theo từ 2-3 con chó săn cùng với “hành trang” khi vào rừng là gạo, mắm, muối, vài ba bộ quần áo cũ và cây rựa để có thể “bám” rừng dài ngày. Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc khi thấy đoàn không mang theo dụng cụ săn bắt, anh Y Thul Niê, một thợ săn trong đoàn giải thích: “Bẫy thú được cất giấu trong rừng, vì nếu mang đi mang về sẽ dễ bị lực lượng kiểm lâm phát hiện bắt giữ. Còn cây rựa đem theo là để phát cây làm lối đi và xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra như gặp rắn độc, thú dữ”. Sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ vào sâu trong rừng, đoàn thợ săn mới đến được nơi cất giấu dụng cụ bẫy thú. Sau đó, lại tiếp tục đi khoảng 30 phút nữa mới đến địa điểm để đặt bẫy. Bẫy mà họ sử dụng được làm bằng lưới đánh cá thông thường và một cành cây căng lưới ra rồi ngụy trang dưới tán lá, hoặc bụi cây nhỏ đặt sát đất. Sau khi giăng bẫy ở nhiều địa điểm khác nhau, nhóm thợ săn dựng bạt ngồi một chỗ theo dõi. Lúc này lũ chó săn tỏa ra đi lùng sục khắp nơi, đào bới hang ổ của kỳ đà và sủa liên hồi, thậm chí là cắn vào đuôi con mồi, khiến những con kỳ đà dù lỳ lợm đến mấy cũng phải chui ra khỏi nơi ẩn nấp để chạy thoát thân. Khi kỳ đà chạy qua, chỉ cần chạm nhẹ vào bẫy là lập tức cần bẫy bật xuống, vây gọn kỳ đà trong lưới. Mỗi khi có kỳ đà dính bẫy là những con chó săn lại sủa vang lên để thợ săn biết và ra thu “chiến lợi phẩm về”. Theo Y Thul, hiện nay riêng trên địa bàn xã Krông Na có khoảng 3 nhóm thợ săn thường xuyên vào rừng săn kỳ đà. Mỗi nhóm đặt khoảng 40 đến 50 cái bẫy nằm rải rác trong rừng. Y Thul cho biết, những năm gần đây, các loại thú rừng lớn trong Vườn Quốc gia Yok Đôn đã bị săn bắn gần như cạn kiệt. Do đó, những loài nhỏ hơn như kỳ đà trước đây thợ săn không thèm bắt thì giờ cũng trở thành mục tiêu săn bắt vì có nhiều đầu nậu, thương lái tìm mua với giá cao. Mỗi chuyến đi săn thường kéo dài từ 3-5 ngày, nhóm thợ săn cũng bắt được trung bình khoảng 10-15kg kỳ đà. Với giá từ 200.000 – 400.000/kg, mỗi người đi săn cũng kiếm được khoảng trên 1 triệu đồng sau mỗi chuyến đi.

Khó phát hiện và xử lý

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, việc truy quét những nhóm người săn thú trái phép trong rừng là rất khó khăn, bởi thủ đoạn của họ ngày càng tinh vi. Khi vào rừng, thợ săn thường không mang theo dụng cụ săn bắt nên rất khó phát hiện. Mặt khác, mỗi khi lực lượng kiểm lâm đi tuần tra đến gần khu vực đặt bẫy đều bị bầy chó săn phát hiện và sủa vang lên để những người thợ săn cất giấu những “chiến lợi phẩm” hoặc các dụng cụ săn bắt. Sau khi bắt được kỳ đà thì những thợ săn cũng có đủ mọi cách qua mặt kiểm lâm như chờ lúc trời tối, trời mưa, khi lực lượng kiểm lâm sơ hở… rồi men theo đường suối để đưa “chiến lợi phẩm” ra khỏi rừng. Còn việc mua bán, vận chuyển thì những đầu nậu cũng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Thường thì các đầu nậu cho người đi vào từng thôn buôn để thu mua thú săn được của thợ săn sau đó vận chuyển đến điểm cất giấu chính ở khu vực trung tâm huyện và ngay cả ở TP. Buôn Ma Thuột rồi mới chuyển đến những nơi có nhu cầu. Chưa kể hiện nay, nhiều đầu nậu, thương lái còn lén lút trực tiếp ứng tiền trước cho các thợ săn làm việc theo đơn đặt hàng mà ngay cả ban quản lý thôn, buôn cũng khó phát hiện. Theo ông Thiện, những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm của Vườn cũng tăng cường các biện pháp tuần tra, phát hiện và xử lý những đối tượng săn bắt, vận chuyển thú rừng trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, thực trạng săn bắt trái phép vẫn cứ diễn ra rất khó kiểm soát. Năm 2013, kiểm lâm Vườn đã phát hiện 8 vụ săn bắt kỳ đà và 16 vụ vận chuyển động vật rừng trái phép. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã phát hiện 4 vụ săn bắt thú rừng trái phép, chủ yếu là kỳ đà. Tuy nhiên, con số này so với thực tế hoạt động săn bắt của các nhóm thợ săn thì rõ ràng chỉ là “phần nổi” rất nhỏ.

Một con kỳ đà bị dính bẫy dạng lưới của thợ săn.
Một con kỳ đà bị dính bẫy dạng lưới của thợ săn.

Hiện nay, các biện pháp kiểm soát, phát hiện việc người dân săn bắt, vận chuyển thú rừng trái phép của các lực lượng ngành chức năng vẫn chưa chặt chẽ, các biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn dứt điểm. Một điều quan trọng nữa là việc xử lý những quán bán thịt rừng đang nhan nhản tại rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa mạnh tay. Đây chính là nơi tiêu thụ và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng săn bắt thú rừng trong đó có kỳ đà như hiện nay. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là những động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng việc triển khai các chỉ thị này xuống tận các cấp cơ sở còn mang nặng tính hình thức, chưa có sự tuyên truyền đúng mức. Trước thực trạng đó, thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã…    

                             Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.