Rừng du lịch sinh thái Bản Đôn bị tàn phá đến bao giờ?
Hơn 1.000 ha rừng do Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Bản Đôn ( xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) quản lý, bảo vệ và khai thác làm du lịch đang bị lâm tặc ngày đêm kéo vào tàn phá không thương tiếc...!
Một cây căm xe lâm tặc đốn hạ chưa kịp lấy đi. |
Ngày 10-10, theo chân anh Y Bóng, công an viên xã Krông Na, chúng tôi thâm nhập vào rừng để tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc… “khai hội” trong khu rừng này. Tại cổng chính của khu du lịch lúc này chỉ có một bảo vệ gác cổng, sau vài câu chào hỏi xã giao, bảo vệ mở cổng cho chúng tôi vào. Đi theo con đường nhựa khoảng 500m chạy vòng vèo qua những khu vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng… không khó để nhận ra những lối mòn lâm tặc mở ra để vào rừng khai thác gỗ. Dừng xe trên con đường được xây dựng để phục vụ du khách tham quan khám phá hệ sinh thái rừng khộp, chúng tôi theo những lối mòn đầy vết bánh xe vào rừng. Chỉ cách con đường này khoảng chục mét đã có thể thấy những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ lấy đi phần “nạc”, bỏ lại cành ngọn không có giá trị nằm chỏng chơ. Những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ thuộc loại đang có giá bán cao trên thị trường như giáng hương, căm xe, gáo vàng… Không chỉ hạ cây sống, lâm tặc còn đào bới để lấy cả những gốc hương cổ thụ. Chỉ trong khoảng 30 phút lội rừng, chúng tôi đã bắt gặp vài chục cây gỗ bị chặt hạ, trong đó có cây bị đốn từ lâu, gốc đã khô, số khác chỉ mới bị đốn hạ và gốc cây vẫn còn ứa nhựa, lá chỉ vừa héo rũ. Anh Y Bóng cho hay: Ở đây lâm tặc có thể dùng xe cày để chở những cây gỗ lớn, những cây nhỏ hơn sẽ được vận chuyển bằng xe máy. Chúng sẽ lấy gỗ từ đây và đi ra bằng những con đường khác để tránh lực lượng bảo vệ của công ty. Do trở thành điểm nóng phá rừng nên đoàn liên ngành của huyện Buôn Đôn đã từng phải đưa lực lượng xuống đây chốt chặn mấy tháng, lâm tặc vào rừng giảm hẳn, nhưng khi lực lượng này rút đi thì tình trạng phá rừng lại tiếp diễn.
Lâm tặc vào rừng khai thác gỗ. |
Khi chúng tôi quay xe trở ra thì bắt gặp một nhóm người đi trên 3 xe máy độ chế, không biển kiểm soát vào rừng, vừa thấy bóng dáng của công an xã, nhóm người này quay ngược xe bỏ chạy. Chúng tôi tăng tốc đuổi theo được một đoạn ngắn thì bọn họ đã chui vào lối mòn trong rừng mất hút. “Chúng vào rừng để chở gỗ ra đó, thấy mình nên mới bỏ chạy, chốc nữa ta về là chúng quay vào lấy gỗ ngay”- người dẫn đường khẳng định chắc nịch.
Theo anh Nguyễn Văn Khải, cán bộ thống kê của xã Krông Na thì rừng do Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Bản Đôn quản lý thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Tính từ năm 2013 đến nay, Công an xã Krông Na đã phát hiện và bắt giữ 13 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có một vụ phá rừng quy mô lớn đang bị các cơ quan chức năng khởi tố hình sự.
Bà H’Lan Buôn Đáp, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết: Năm 2005, UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak 1.336,7 ha rừng để đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa Bản Đôn. Đến năm 2013, diện tích rừng này được bàn giao lại cho Công ty Cổ phần thương mại - du lịch Bản Đôn quản lý. Do hoạt động kinh doanh du lịch không hiệu quả, nên việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng cũng trở nên lỏng lẻo, tạo điều kiện cho lâm tặc vào khai thác lâm sản trái phép. Mới đây, huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện tại thời điểm đó công ty chỉ cắt cử 4-5 bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản mà không hề có lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Kiểm tra hiện trạng rừng thì phát hiện nhiều cây gỗ bị lâm tặc khai thác. Đoàn đã có báo cáo tình hình này lên UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc