Xây dựng nông thôn mới: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải ở nhiều khu vực nông thôn đã giảm hẳn. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhận thức của người dân trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Xã Yang Mao (huyện Krông Bông) là một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt và sản xuất của người dân là một trong những vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện, trên địa bàn xã đã không còn xuất hiện những “điểm đen” về ô nhiễm, người dân cũng dần ý thức hơn việc bảo vệ môi trường. Để đạt được kết quả này, từ năm 2012, chính quyền xã đã đầu tư xây dựng bãi rác nằm cách xa khu dân cư và thành lập tổ thu gom rác thải với 5 thành viên tham gia thực hiện việc thu gom và xử lý chất thải của các hộ dân trên địa bàn. Theo đó, tùy lượng rác thực tế, các thành viên trong tổ sẽ thu gom và vận chuyển đến bãi chôn lấp từ 2 đến 4 lần mỗi tháng. Anh Trần Thế Hưởng, cán bộ phụ trách văn hóa xã Yang Mao cho biết: “Do đời sống nhân dân còn khó khăn nên trước đây chính quyền xã phải trích kinh phí để thuê lao động thực hiện việc thu gom rác thải, tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch xã hội hóa việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng tích cực vận động, nhắc nhở người dân ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi đến vụ mùa thu hoạch nông sản”. Trước những nỗ lực đó, trên những con đường liên thôn, xã và khu vực đất trống ở xã Yang Mao giờ không còn những bãi rác tự phát, tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông cũng giảm đáng kể, người dân ở các thôn, buôn xa trung tâm đã biết cách xử lý rác thải bằng chôn lấp hoặc đốt…
Những tuyến đường vắng dân cư trên địa bàn xã Yang Mao (huyện Krông Bông) không còn xuất hiện bãi rác tự phát như trước đây. |
Trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nóng trong các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri… Đến cuối năm 2013, khi HTX Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Kiết đứng ra đảm nhận việc thu gom rác trên địa bàn xã thì việc giữ vệ sinh môi trường ở đây đã có những chuyển biến tích cực. Đối với xã Ea Kpam (Cư M’gar), mô hình tổ thu gom rác thải được triển khai từ năm 2012, đến nay toàn xã đã thành lập 8 tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở các thôn, buôn. Vào sáng thứ bảy hằng tuần, các tổ tiến hành thu gom rác tại các hộ gia đình rồi tập kết đến bãi rác của xã. Bà Nguyễn Thị Lan (xã Ea Kpam) bày tỏ: “Nhờ có tổ thu gom rác thải sinh hoạt mà tình trạng ô nhiễm trên nhiều tuyến đường ở các thôn, buôn và những khu vực công cộng đã không còn. Bây giờ, đường làng, ngõ xóm không chỉ sạch, đẹp mà người dân nơi đây cũng không còn lo môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe ”.
Là một trong những địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường đầu tiên của tỉnh, ngay từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tích cực tuyên truyền, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân. Đó không chỉ là việc vận động nhân dân ký kết hợp đồng thu gom chất thải với Công ty TNHH Môi trường Đông Phương, mà còn quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung nằm xa khu dân cư với tổng diện tích hơn 60 ha. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên xã… còn đứng ra đảm nhận những công trình, phần việc, đoạn đường tự quản…
Đoạn đường xanh sạch đẹp do Hội Cựu chiến binh xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tự quản trong phong trào xây dựng Nông thôn mới |
Có thể nói, thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền các địa phương đã có nhiều quan tâm, đầu tư cho công tác môi trường như thành lập tổ thu gom rác thải, quy hoạch bãi chôn lấp, xử lý chất thải xa khu dân cư; thường xuyên tuyên truyền, vận động tổ chức, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia chỉnh trang, xây dựng đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình xanh, sạch, đẹp; đổ rác đúng nơi quy định và tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh… Do kinh phí Nhà nước đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường có hạn, nên việc xã hội hóa công tác này là một trong những giải pháp tích cực được nhiều xã, phường triển khai, nhờ đó tình trạng ô nhiễm từ rác thải vùng nông thôn đã từng bước khắc phục. Ở những xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tình trạng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, sản xuất cơ bản được giải quyết không còn xuất hiện những bãi rác tự phát, “điểm đen” về ô nhiễm.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc