Công trình nước sạch bỏ hoang, người dân mang gùi đi lấy nước
Ông Y Thương, Trưởng buôn Cư M’tao, xã Ea Sin cho biết: “Công trình nước sạch được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2008 theo Chương trình 134. Tuy nhiên, sau 1 tháng sử dụng thì xảy ra tình trạng nước nhiễm phèn nặng, bốc mùi hôi tanh không thể sử dụng được. Để có nước sinh hoạt, người dân phải tự đi tìm nguồn nước cho riêng mình…”.
Nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân 4 buôn được lấy từ các khe sông suối, đập nước. Chị H’Níp Mlô (55 tuổi, trú tại buôn Cư Kanh, xã Ea Sin) chia sẻ: “Khi có công trình nước sạch bà con phấn khởi lắm, nhưng mới dùng được một tháng thì nước có màu đen đỏ, mùi tanh nên không ai sử dụng nữa mà đi xách nước ở sông, suối về dùng. Mùa mưa suối còn có nước nhưng đến tháng 2, tháng 3 nước cạn thì phải đi đến tận đập Ea Truôl mới có nước để lấy…”. Do nguồn nước khan hiếm nên việc sử dụng nước sinh hoạt phải tằn tiện từng giọt; muốn mở rộng, phát triển sản xuất hay chăn nuôi quy mô, người dân nơi đây cũng đành chịu. “Năm ngoái, gia đình mình được xã hỗ trợ 200 cây bơ và một số gia cầm nhưng được vài ngày gà, vịt bị dịch chết hết, còn cây thì chết dần chết mòn vì thiếu nước…”, chị H’Níp cho biết thêm.
Công trình nước sạch bị bỏ hoang. |
Để đi lấy nước ở các khe suối, người dân phải đi bộ trên con đường gập ghềnh gần cả cây số, nhà nào xa thì phải đi 2 cây số mới đến được nơi có nước. Tranh thủ những lúc sáng sớm, đi làm về hay giờ nghỉ trưa bà con lại rủ nhau đi gùi nước. Người lớn xách bằng xô, can nhựa lớn, còn những đứa trẻ mang chai nhựa đi theo bố mẹ để lấy nước về dùng.
Chị H’Huế Ayun (33 tuổi, buôn Ea Sin) phàn nàn: “Mỗi ngày tôi phải đi hai lần vào sáng sớm và chiều tối, mỗi lần gùi 20 lít thì mới đủ nước cho cả gia đình dùng một ngày, đi làm về là tranh thủ tắm ở đó luôn. Khổ nhất vẫn là những ngày lễ, tết, vất vả lắm mới nấu nướng, rửa dọn xong; đi tắm giặt cứ phải tranh nhau đến thật sớm. Ở đây, nước còn quý hơn cả cơm…”.
Gùi nước về. |
Ông Y Dinh Niê, Trưởng thôn Ea Sin cho biết: “Người dân trong thôn đi lấy nước rất vất vả, nhiều nhà cũng cố gắng đầu tư khoan giếng để lấy nước dùng nhưng toàn gặp đá không thể khoan được, có gia đình khoan được thì cũng không có nước”.
Theo ông Y Răn Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sin, tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở 4 buôn: Ea Sin, Ea Bông, Cư Kanh, Cư M’Tao thuộc khu tái định cư mới của xã Ea Sin theo chương trình giãn dân từ các xã Ea Bông, Pơng Drang, Cư Pơng. Năm 2008, hệ thống nước sạch được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động ở 4 buôn này nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con. Sử dụng được 1 năm thì công trình tạm ngưng đến tận bây giờ vì bị nhiễm phèn nặng. Mọi sinh hoạt tắm giặt của người dân đều diễn ra ở nơi tập thể. Trong các cuộc họp xã cũng đã phản ánh rất nhiều và cũng có nhiều đoàn về khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Y Tuyên Niê, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Buk cho biết: Công trình nước tập trung theo Chương trình 134, 1592 cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện do Ban Quản lý dự án huyện Krông Buk làm chủ đầu tư với tổng kính phí gần 1,7 tỷ đồng. Công trình đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì phát hiện nước bị nhiễm phèn, chất lượng nước không bảo đảm để người dân sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất nên người dân không sử dụng nữa, từ đó công trình cũng ngừng hoạt động. Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện xin chủ trương của tỉnh chuyển công trình nước tập trung này thành một công trình khác đã được UBND điều chỉnh thành nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Công văn số 553/UBND-VHXH ngày 21-1-2013 của UBND tỉnh, với nguồn vốn dự toán hơn 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay huyện chưa được bố trí vốn để khởi công xây dựng công trình.
Đinh Nguyễn
Ý kiến bạn đọc