Multimedia Đọc Báo in

"Lỗ hỗng" trong công tác phòng chống cháy rừng

08:55, 28/05/2015

Mùa khô 2014 – 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, tăng về số vụ, quy mô và mức độ thiệt hại so cùng kỳ năm 2013-2014. Nguyên nhân diễn biến bất lợi từ thời tiết, sự chủ quan của chủ rừng và ý thức của người dân.

Đến bây giờ người dân ở xã Dak Phơi, huyện Lak vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ cháy rừng xảy ra hồi đầu tháng 4-2015 tại tiểu khu 1392 do Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai quản lý. Khi phát hiện vụ cháy, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp chữa cháy nhưng do thời tiết hanh khô, diện tích bị cháy toàn là cây bụi nên lửa lan nhanh, đã  khiến ông Y Chi Sruk (SN 1968) trú ở buôn Jie Juk và anh Y Siêng Jiê (SN 1984) trú ở buôn T’Lông bị chết cháy cùng hơn 20 ha rừng bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do người dân xâm canh trái phép trên diện tích đất rừng đã giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai thuê để trồng rừng.

 Phát dọn thực bì PCCCR tại Vườn Quốc gia  Yok Đôn.
Phát dọn thực bì PCCCR tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

 Còn tại huyện Ea H’leo, 2 vụ cháy rừng tại xã Ea Hiao ngày 19-3 vừa qua đã làm thiệt hại 244,86 ha rừng của Công ty TNHH Đức Hải và Công ty TNHH Lộc Phát. Trong đó, Công ty TNHH Đức Hải là 42,12 ha, rừng keo lai trồng năm 2008, may mắn là diện tích keo bị cháy đã đến kỳ khai thác nên mức độ thiệt hại chỉ 10-20%. Còn đối với hơn 200 ha rừng của Công ty Lộc Phát, chủ yếu là keo lai trồng các năm 2008, 2009, 2010. Theo Hạt Kiểm lâm Ea H’leo, qua kiểm tra ban đầu thì cả 2 vụ cháy trên vẫn chưa xác định được đối tượng và nguyên nhân phát lửa nhưng cũng bộc lộ tính chủ quan của  chủ rừng như: chưa làm tốt khâu xử lý thực bì trong lô, một số công trình phòng, chống chữa cháy rừng (PCCCR) như đường băng trắng, chòi canh... thi công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là không bố trí lực lượng tuần tra canh phòng lửa trong thời gian nắng hạn cao điểm. Lực lượng chữa cháy rừng tại chổ chưa đủ mạnh, chưa kịp thời (chỉ khoảng 45-50 người); Riêng công ty TNHH Lộc Phát, mặc dù nắm rõ thông tin rừng bị cháy trên diện rộng, nhưng đơn vị chỉ bố trí 1 nhóm ít người khống chế ở 1 điểm cháy; không có động thái phối hợp chữa cháy cùng lực lượng kiểm lâm và chủ rừng khác đã có mặt tại hiện trường như công ty Hồ Lâm, Đức Hải, nên mức độ thiệt hại 60-70%.

Cùng vào đầu tháng 3-2015, tại huyện Ea Kar cũng đã xảy ra 2 vụ cháy rừng thiệt hại 10,61 ha. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 2-3-2015 tại đồi Chư Cúc, xã Ea Kmút, diện tích cháy 0,21 ha; vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 15-3-2015 tại tiểu khu 630, 636 thuộc lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý, cháy 10,4 ha, hiện trạng chủ yếu là cây bụi, thảm cỏ. Khi xảy ra cháy rừng, đơn vị nắm bắt thông tin kịp thời nên chủ động phối hợp với lực lượng chữa cháy và người dân tại địa phương, nhanh chóng khống chế và dập tắt được lửa nên mức độ thiệt hại chỉ dưới 10%.

Ông Y Si H’Dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay, từ đầu mùa khô, thời tiết được dự báo là nắng nóng kéo dài, dự báo cháy rừng của tỉnh có thể ở cấp cực kỳ nguy hiểm, UBND tỉnh đã ban hành một số chị thị yêu cầu sở, ngành, địa phương, chủ rừng nhanh chóng triển khai các biện pháp PCCCR. Qua đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan kiểm tra công tác PCCCR các chủ rừng trên địa bàn 15 đơn vị cấp huyện gồm: 4 ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 4 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, 7 tổ chức, doanh nghiệp có quản lý rừng. Về cơ bản, các cấp, ngành, chủ rừng triển khai tương đối đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với công tác PCCCR. Việc xây dựng phương án PCCCR và huy động lực lượng chữa cháy đã được triển khai tại 15 đơn vị. Qua kiểm tra nhận thấy, các đơn vị, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (được bố trí vốn từ nguồn ngân sách nhà nước) đã xây dựng phương án PCCCR mùa khô 2014 – 2015, nhờ vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các đơn vị này là thấp hơn các đối tượng khác. “Lỗ hổng” trong công tác PCCCR chủ yếu ở các tổ chức, doanh nghiệp trồng rừng bằng vốn ngoài ngân sách là một số đơn vị không xây dựng phương án PCCCR, hoặc có xây dựng nhưng lại không đủ kinh phí để triển khai thực hiện thi công các hạng mục PCCCR (nhất là làm đường băng cản lửa, phát dọn thực bì chữa cháy …), không tổ chức lực lượng canh phòng lửa rừng,  không kịp thời huy động lực lượng xử lý, dập tắt cháy rừng ngay từ khi mới phát sinh. Do vậy, nguy cơ để xảy ra cháy rừng là rất cao và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCCR cũng chưa được các địa phương, hạt kiểm lâm chú trọng thường xuyên; ngoài ra, chính quyền địa phương sở tại chưa có biện pháp hữu hiệu trong ngăn chặn, xử lý đối với những trường hợp đốt rừng làm nương rẫy… 

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.