Một mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả
Bao bì đựng thuốc BVTV như thuốc trừ sâu, diệt cỏ… rất khó phân hủy trong môi trường, tuy nhiên, sau khi sử dụng, bà con nông dân thường có thói quen vứt bừa bãi bên bờ ruộng, lề đường. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chưa có các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ phun thuốc BVTV có trang thiết bị đúng quy định; nên việc xử lý rác thải từ thuốc BVTV cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đầu năm 2014, UBND huyện Cư M’gar đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban và các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ sở Đoàn đảm nhận các công trình thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Huyện Đoàn Cư M’gar đã thống nhất thực hiện mô hình thu gom chai, lọ, bao bì thuốc BVTV trên địa bàn toàn huyện. Cụ thể đã xây dựng 32 bể thu gom tại thị trấn Ea Pốk, xã Quảng Tiến, Cư M’gar, Ea Tul, Ea Đrơng, Ea M’nang và Quảng Hiệp, tổng kinh phí 63,5 triệu đồng (do Phòng Tài nguyên – Môi trường hỗ trợ và các đoàn viên, thanh niên góp công xây dựng). Các điểm thu gom này được bố trí trên bờ ruộng, dọc đường ra các cánh đồng để thuận tiện cho người dân. Sau khi xây dựng các hố thu gom, đoàn thanh niên phối hợp với ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố vận động người dân thu gom rác, bao ni lông, chai, lọ thuốc BVTV trên cánh đồng, kênh mương bỏ vào bể để giữ vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Sánh, tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar bỏ chai thuốc BVTV nhặt lúc làm đồng vào bể chứa. |
Dẫn chúng tôi đi xem điểm thu gom chai, lọ trên địa bàn, chị H’Băn Êban, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Ea Pốk cho biết, khu vực này người dân trồng lúa, hoa màu nhiều. Trước đây túi ni lông, chai đựng thuốc trừ sâu, diệt cỏ vứt bừa bãi khắp nơi, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Sánh, tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk đi làm đồng về, trên tay cầm mấy chai đựng thuốc diệt cỏ đã dùng rồi chuẩn bị bỏ vào bể rác. Phát huy vai trò nêu gương của một người Bí thư chi bộ tổ dân phố, sau khi bể rác được xây dựng ngay cánh đồng trước nhà, ông thường xuyên thu gom chai lọ dưới ruộng và khu vực xung quanh cho vào bể chứa và động viên mọi người làm theo. Ông chia sẻ: “Trước đây chai, lọ sử dụng xong người dân cứ bạ đâu vứt đó, có người còn vứt sang ruộng người khác. Từ khi có cái bể này, bà con có chỗ để rác sạch sẽ, an toàn, rồi dần dần thành thói quen của mọi người”. H’Băn Êban cho biết thêm, trên địa bàn thị trấn Ea Pốk có 5 bể thu gom chai, lọ thuốc BVTV được xây dựng ở nhiều khu vực khác nhau và phát huy công dụng rất lớn, không những tạo cảnh quan sạch đẹp mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Thực tế qua hơn một năm triển khai, mô hình bể thu gom trên địa bàn huyện Cư M’gar phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, bao bì, chai, lọ thuốc BVTV sau khi thu gom chưa được xử lý triệt để. Anh Ngô Điền Phương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar băn khoăn, các bể thu gom không có khả năng chứa được nhiều, một số chai, lọ vương vãi ra bên ngoài. Nếu dừng mô hình này thì rất lãng phí, bởi các bể chứa được xây kiên cố và đang hoạt động tốt, có ý nghĩa xã hội lớn. Hiện tại, Huyện Đoàn giao cho đoàn thanh niên các thôn, buôn, tổ dân phố thu gom, dọn dẹp rác thải xung quanh các bể chứa để người dân tiếp tục sử dụng. Anh cho biết thêm, các cơ quan chức năng của huyện đang tìm giải pháp nhằm thu gom lượng rác thải, chai, lo tại các bể chứa để xử lý, tái chế nhằm phát huy hiệu quả của mô hình này một cách lâu dài.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc