Multimedia Đọc Báo in

Văn minh đô thị: Nhìn từ ý thức vệ sinh nơi công cộng

09:40, 10/05/2016

Tại một số khu vực công cộng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được đầu tư kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, nhưng nhiều người đi đường lại thiếu ý thức sử dụng, làm  ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và môi trường tỉnh, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện đã xây dựng được 6 nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực: Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, Đài tưởng niệm liệt sỹ, Hoa viên Y Wang, Hoa viên Phụ nữ, Quảng trường thành phố, Hoa viên Phù Đổng. Tại đây có công nhân thay phiên nhau trực bảo vệ, dọn dẹp và mở cửa từ 5 giờ 30 - 21 giờ 30 hằng ngày với mức thu phí 2.000 đồng/người/lượt sử dụng. Mặc dù đã được phân bố ở các khu vực công cộng, trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu “khó nói” của khách vãng lai, thế nhưng lâu nay vẫn diễn ra tình trạng không ít người đi đường, người bán hàng rong vô tư xả bậy ra khu vực công cộng, ngay bên cạnh những nhà vệ sinh này.

Tại khu vực Đài tưởng niệm liệt sỹ (đối diện cổng chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh), dịch vụ nhà vệ sinh công cộng được xây lắp và đưa vào sử dụng từ năm 2009, thế nhưng tình trạng phóng uế bừa bãi ở xung quanh khu vực này vẫn diễn ra thường xuyên. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông “úp mặt vào tường” ở đoạn đường phía trước cổng và bên hông Đài tưởng niệm, những người phụ nữ bán hàng rong trèo tường vào trong khu vực này để đi tiểu tiện, dù nhà vệ sinh công cộng nằm ngay cạnh. Chị Huỳnh Thị Tiếp, nhân viên trực nhà vệ sinh tâm sự: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt khách sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh công cộng ở đây, hầu hết là người đi đường, còn những người bán hàng rong, chạy xe ôm, taxi ở trước cổng bệnh viện dù khá đông nhưng lại rất ít khi sử dụng dịch vụ này, chỉ khi cần đi đại tiện họ mới tìm vào nhà vệ sinh, còn lại thường là “đi bậy” ra khu vực xung quanh”. Theo lý giải của họ, cả ngày buôn bán, mưu sinh ở đây nên nhu cầu đi vệ sinh rất nhiều lần, nếu cứ phải trả phí 2.000 đồng/lượt sử dụng thì quá tốn kém!

Chính việc ngại chi tiền cho khoản dịch vụ này cùng với những khu vực công cộng chưa xây dựng nhà vệ sinh đã dẫn đến tình trạng xuất hiện những bức tường, gốc cây ố vàng loang lổ với mùi khai bốc lên nồng nặc do việc “xả bậy” của người dân. Không ít người nghĩ rằng, chẳng có gì đáng xấu hổ bởi toàn người đi đường cả, đâu có ai biết mình mà ngại, miễn là giải quyết “nhu cầu” tức thì, họ không nghĩ rằng mình đã gây nên sự khó chịu cho người dân xung quanh, đặc biệt còn ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, nếp sống văn minh đô thị. Trong khi đó, để xử phạt hành chính đối với hành vi này lại không phải dễ dàng, bởi cơ quan chức năng không thể thường xuyên tuần tra, canh gác, phát hiện những người có hành vi tiểu tiện bậy tại nơi công cộng hay gắn máy ghi hình tại các khu vực này.

Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực Đài tưởng niệm liệt sỹ.
Nhà vệ sinh công cộng tại khu vực Đài tưởng niệm liệt sỹ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Phó phòng Kiểm tra – Dịch vụ khách hàng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và môi trường tỉnh cho biết: “Để bảo đảm môi trường sạch, đẹp, Công ty phải thường xuyên cử công nhân đi phun rửa, dọn dẹp trên các tuyến đường hay có tình trạng phóng uế bừa bãi. Ngoài ra, ở các nhà vệ sinh công cộng, nhân viên phải thường xuyên lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ để người sử dụng dịch vụ cảm nhận được sự thoải mái và thấy “đáng” để trả tiền”. Được biết, hiện nay công ty đã bố trí 12 nhân viên thay ca trực ở các nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên do số người sử dụng dịch vụ này rất ít nên việc thu phí không đủ trang trải các chi phí quản lý, vận hành và sửa chữa, thay thế thiết bị, chi phí điện, nước.

Việc phóng uế nơi công cộng, dẫu biết đây chuyện bất đắc dĩ, thế nhưng ở cả những nơi có dịch vụ nhà vệ sinh công cộng vẫn diễn ra tình trạng này là điều khó chấp nhận. Chuyện được cho là tế nhị và “ngại” nói đến, song thực ra đây lại là vấn đề rất đáng lưu tâm vì nó tác động xấu đến việc xây dựng nếp sống văn minh. TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vì vậy ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành cần sự thay đổi từ nhận thức của mỗi người dân; đặc biệt là của cả cộng đồng bắt đầu tư hành vi, ứng xử, thói quen nhỏ trong cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc