Multimedia Đọc Báo in

Nương bóng rừng xanh

10:29, 04/05/2016

Mực nước ngầm đang sụt giảm nghiêm trọng. Với những cảnh báo của các nhà khoa học, có thể nói, tình trạng đua nhau khoan giếng tìm nguồn nước trong cơn đại hạn chỉ là sự chống chọi tuyệt vọng với tự nhiên, với biến đổi khí hậu. Trong khi giải pháp bền vững hơn chính là phải nương theo tự nhiên để chủ động tái tạo, giữ gìn nguồn nước quý giá.

Từ thời xa xưa, đồng bào các dân tộc sống trên dải Trường Sơn Tây Nguyên đã thuộc lòng bài học nương bóng rừng xanh để tồn tại. Luật tục đã đề cập vấn đề này như một bài ca giữ rừng: “Không có nước con người không sống được, cây bờ suối không được chặt trụi cây đầu nguồn không nên chặt phá, mất cây rừng sẽ gây hạn hán, mất cây rừng sẽ gây ra lũ lụt...”. Tôn trọng rừng, họ coi rừng như bạn, như ân nhân, như một môi trường sống tuyệt vời nhất gắn bó hữu cơ với đời sống của mình nên phải hết lòng bảo vệ: “Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ… Làm rẫy không được phát rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con …” Vì biết nương tựa vào rừng nên dù họ sống trong rừng, cũng phá rừng du canh du cư đời này sang đời khác, nhưng rừng chỉ phát triển chứ không tàn lụi. Theo cuốn sách “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gô” của nhà dân tộc học người Pháp Condominas thì “ăn rừng” không có nghĩa là phá rừng, là khai thác rừng bừa bãi mà chính là sống hài hòa trong môi trường tự nhiên ấy, như việc già làng đi tìm đất làm rẫy, với cách thử đất, cách khoanh rừng để tìm cái ăn đồng thời bảo vệ rừng lâu dài và hiệu quả hơn bất cứ phương pháp khoa học nào…

Bến nước dưới tán rừng xanh.
Bến nước dưới tán rừng xanh.

Trong sự biến chuyển dữ dội của đời sống đương đại, rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. May thay, ở nhiều nơi đồng bào vẫn tuân thủ việc bảo vệ rừng theo luật tục, nương bóng rừng xanh để gìn giữ nguồn nước, gìn giữ nếp văn hóa truyền thống. Một minh chứng rõ nét là việc bảo vệ rừng đầu nguồn bến nước. Bến nước gắn với đời sống buôn làng từ bao đời nay. Theo luật tục, bảo vệ bến nước chính là một nội dung của bảo vệ rừng. Bến nước được chọn khi lập buôn là nơi thường có mạch nguồn dồi dào trong vắt từ những cánh rừng nguyên sinh. Mỗi khi một cây gỗ lớn bị chặt phá thì một mạch nước ngầm cũng cạn dần nên việc chặt phá cây trong những cánh rừng này bị nghiêm cấm triệt để, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), các buôn Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B và buôn Ju vẫn còn giữ được bến nước là nhờ người dân có ý thức gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh tại nơi đầu nguồn bến nước. Do nhiều yếu tố tác động, diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn xa xưa nay đã bị thu hẹp nhưng vẫn còn sót lại những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người dân đều hiểu rất rõ rằng, chỉ cần sơ sểnh trong phút chốc là có thể mất cả cái cây trăm tuổi mà cả trăm năm mới có được, kéo theo đó là bao hệ lụy về nguồn nước, về khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống buôn làng không chỉ hiện tại mà cả mai sau. Do đó, cả cộng đồng phải cùng đồng lòng giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh quý giá, người dân không chỉ ra sức bảo vệ mà còn nỗ lực phát triển rừng. Đơn cử như không chặt cây, làm cam kết không phá rừng, hằng năm trồng thêm cây mới phân tán xung quanh khu rừng. Vì giữ được rừng nên giữ được bến nước, trong khi nhiều bến nước buôn làng bị mất rừng dẫn đến khô kiệt, bị bỏ hoang thì bến nước buôn Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B vẫn được rừng xanh tạo nguồn sinh thủy chở che, quanh năm róc rách nguồn nước trong veo. Khí hậu khu vực này nhờ vậy cũng trong lành, mát dịu hơn hẳn.

Ở xã Chư Suê (huyện Cư M’gar), trước tình trạng bến nước buôn Sut H’Luôt và Sut M’Drư đã suy giảm lượng nước mạch từ khi các cây cổ thụ đầu nguồn bị chặt phá, chính quyền địa phương đang huy động người dân tham gia bảo vệ các cây gỗ lớn và trồng thêm cây xanh ở đầu nguồn.

Ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) những bến nước ít ỏi còn sót lại cũng rất hiếm nước vì cây lâu năm đầu nguồn đã bị chặt phá hết, hiện người dân cũng đang đóng góp xây dựng, gia cố lại và trồng thêm cây xanh ở đầu nguồn để giữ nước…

Bảo vệ cây rừng là bảo vệ cây đầu nguồn, bên bờ suối, bến nước. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất rừng, đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng. Những quy định rất rõ ràng trong luật tục đã hiển hiện rõ nét trong thực tế với bài học giữ rừng đầu nguồn bến nước. Nếu việc bảo vệ rừng được tuân thủ theo luật tục cũng như theo pháp luật hiện hành thì rừng xanh sẽ trả lại cân bằng sinh thái, trả lại tiếng suối róc rách quanh năm nơi bến nước buôn làng …

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc