Nan giải công tác di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh ô nhiễm
Mặc dù UBND TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều biện pháp di dời những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư để đưa vào các khu, cụm, điểm công nghiệp và vùng phụ cận, tuy nhiên, gần 10 năm qua, con số các cơ sở đã được di dời vẫn còn quá khiêm tốn.
Bà Lê Thị Bích Vân, chuyên viên Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, từ năm 2008, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 34/2008/NQ-HĐND về việc sắp xếp, di dời các cơ cở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và thành phố đã xây dựng đề án để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 171 cơ sở sản xuất, kinh doanh ô nhiễm cần phải di dời ra khỏi khu vực dân cư, 64 cơ sở phải khắc phục ô nhiễm.
Sản xuất cột điện bê tông ly tâm tại Công ty Cổ phần công trình Việt Nguyên. |
Để tạo điều kiện cho các chủ cơ sở di dời, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ- UBND ngày 25-6-2009 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc di dời các cơ sở sản xuất ô nghiễm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 50% tiền tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển tài sản và 50% giá trị tài sản không di dời được; 2 triệu đồng cho những lao động mất việc và 540 nghìn/tháng/người mất việc tạm thời (hỗ trợ không quá 3 tháng) do di dời cơ sở; miễn tiền thuê đất 3 năm cho các cơ sở di dời vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch…
Chỉ tiêu đề ra là đến năm 2015, không còn các cơ sở sản xuất, kinh ô nhiễm ở trong khu vực dân cư. Tuy nhiên đến thời điểm này, theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, mới chỉ có 11 cơ sở sản xuất được di dời vào khu công nghiệp, số còn lại vẫn chưa di dời vì nhiều lý do…
Đơn cử như cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần công trình Việt Nguyên chuyên sản xuất cột điện bê tông ly tâm và các cấu kiện xây lắp đường dây điện hiện nằm trong khu vực đông dân cư trên đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) được “liệt” vào danh sách các cơ sở phải di dời. Theo ông Nguyễn Hữu An, Phó Tổng Giám đốc thì thực tế công ty cũng muốn di dời cơ sở ra khỏi khu vực này, vì việc sản xuất ở đây tạo ra tiếng ồn gây ảnh hưởng đến những người dân xung quanh. Bên cạnh đó, công tác vận chuyển vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra cũng gặp khó khăn do nằm trong khu vực đông dân cư… Từ năm 2014, đơn vị đã liên hệ tại Cụm công nghiệp Tân An để thuê đất, tuy nhiên đất ở đây đã có chủ. Mãi đến đầu năm 2016 công ty mới thỏa thuận được với một doanh nghiệp nhượng lại diện tích đất phù hợp để di dời.
Bà
Lê Thị Bích Vân
|
Theo bà Lê Thị Bích Vân thì những cơ sở di dời ra khu, cụm công nghiệp hầu hết đều là những cơ sở sản xuất có quy mô tương đối lớn, có tiềm lực tài chính. Còn đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong diện di dời thì vô cùng khó khăn, bởi những cơ sở này quy mô sản xuất hộ gia đình, tận dụng đất, nhà có sẵn để làm cơ sở. Nếu đi thuê mặt bằng thì chẳng có lời lãi gì nhiều nên khi vận động hầu hết đều “lắc đầu” từ chối.
Đến nay, thời gian thực hiện Nghị quyết 34/2008/NQ-HĐND ngày 19-12-2008 về việc sắp xếp, di dời các cơ cở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã kết thúc, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ sở phải tiếp tục di dời. Do đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét hướng dẫn tiếp tục thực hiện nghị quyết này, đồng thời nâng mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Ngoài chính sách hỗ trợ, các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn như kiên quyết đóng cửa các cơ sở ô nhiễm nặng mà không khắc phục theo yêu cầu; đối với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì vận động chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường… mới từng bước loại bỏ được vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố” - bà Vân đề xuất.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc