Khẩn cấp Bảo tồn voi hoang dã tại vườn Quốc gia Yok Đôn
Ngày 15-12, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG Yok Đôn) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Việt Nam triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động khẩn cấp Bảo tồn voi hoang dã tại VQG Yok Đôn giai đoạn 2016-2020".
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc voi rừng dính bẫy được phát hiện trong VQG Yok Đôn vào tháng 2-2015 |
Kế hoạch tập trung đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, giảm thiểu mâu thuẫn voi - người dựa trên hiểu biết về tập tính di chuyển theo mùa của voi và sinh kế thân thiện cho người dân. Theo đó, WWF-Việt Nam sẽ mở các lớp tập huấn cho cán bộ kiểm lâm của Vườn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cơ bản về thực thi pháp luật và tác nghiệp hiện trường, trong đó có việc áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như: SMART, bẫy ảnh, GPS... để theo dõi, giám sát đa dạng sinh học. Công cụ SMART (công cụ theo dõi và báo cáo hiện trường - Spatial Monitoring and Reporting Tool) sẽ được triển khai toàn diện ở VQG Yok Đôn để thu thập dữ liệu, giám sát loài và quản lý hoạt động tuần tra một cách chuyên nghiệp.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, quần thể voi hoang dã ở Việt Nam đã giảm khoảng 95% sau 40 năm (1975-2015). Riêng tại Đắk Lắk, trong vòng 8 năm (2009 – 2016) đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết (trong đó gần 75% là voi con dưới 1 tuổi, so với tổng đàn voi rừng chiếm khoảng 25%).
Hiện nay, Tây Nguyên là địa bàn có đàn voi hoang dã lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 70% quần thể voi tự nhiên toàn quốc. Vì vậy cứu được đàn voi hoang dã Tây Nguyên là bảo tồn hiệu quả quần thể voi rừng châu Á của Việt Nam.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc