Thú chơi cây cảnh cổ thụ "đe dọa" cây xanh đô thị
Những năm gần đây, thú chơi cây cảnh cổ thụ “lên ngôi”. Các giống cây cổ thụ như sanh, si, đa, sung, bồ đề, nhất là những cây lâu năm, cây có dáng, có thế, gốc cây xù xì, cổ kính được giới chơi cây cảnh săn lùng từ khắp nơi đưa về trồng làm cây cảnh trang trí tại gia đình, quán xá, sân vườn. Khi nguồn cây này ở ngoài tự nhiên đã cạn kiệt thì cây xanh đô thị đang có nguy cơ bị “nhòm ngó”.
Theo thống kê của Xí nghiệp Công viên Cây xanh trực thuộc Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có khoảng gần 40 cây giống sanh, si, sung, bồ đề lớn với đường kính từ 60 cm trở lên trên đường phố và những nơi công cộng như: hoa viên, công viên, tượng đài, trong đó phần nhiều là cây đa. Ngoài việc quản lý, chăm sóc, Công ty phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để tránh việc cây bị người dân chặt phá, đẽo vỏ, đổ thuốc sâu vào thân, đổ chất độc, nước nóng, than nóng vào gốc làm chết cây; đồng thời kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng đào gốc cây về trồng làm cây cảnh trang trí.
Công nhân Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đang cắt cành tạo tán cây si tại ngã tư Mạc Thị Bưởi-Hoàng Diệu (TP.Buôn Ma Thuột). |
Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đã ngăn chặn được nhiều trường hợp đào gốc có ý định dịch chuyển cây xanh trên địa bàn. Vụ việc xảy ra mới đây nhất là vào ngày 10-3-2017, cán bộ công ty đã phát hiện và ngăn chặn trường hợp ông Nguyễn Văn Tâm (trú xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) cùng 7 người khác đang đào gốc cây đa lớn có đường kính lên tới 2 m tại khối 7, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). Hầu hết các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo Nghị định 121/2013/NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở với mức phạt cao nhất lên tới trên 12 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi tự ý đào gốc cây đã ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh đô thị. Ông Nguyễn Văn Duy, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Công viên Cây xanh cho biết: “Tuy đa, si, sanh và bồ đề là những giống cây dễ trồng, dễ phát triển nhưng khi bị đào gốc, chặt rễ tuy cây không chết nhưng cũng phải mất nhiều thời gian để chăm sóc cho cây bén rễ và xanh tốt trở lại. Bên cạnh đó, việc bị chặt một phần nào rễ cũng làm cho cây bám đất yếu đi, dễ đổ ngã khi mưa và gió lớn. Các cây bị chặt cành sẽ làm lệch tán hoặc mất hẳn tán cây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây và mỹ quan đô thị của thành phố”.
Chương II, điều 13 Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị đã quy định: mọi tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh trong đô thị, đồng thời thông báo cho UBND theo phân cấp quản lý để có biện pháp xử lý; UBND theo phân cấp quản lý có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về cây xanh đô thị… Như vậy, việc bảo vệ cây xanh đô thị không chỉ là nhiệm vụ của riêng đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, chăm sóc mà đòi hỏi sự phối hợp nhiệt tình, có trách nhiệm của mỗi người dân và chính quyền các địa phương trên địa bàn. |
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc