Gian nan chuyển đổi nghề đốt than ở Ea Bar
Tại một số thôn của xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) người dân đã gắn bó với nghề đốt than hơn 30 năm nay.
Nghề đốt than đã tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Tuy nhiên, do các lò đốt than nằm trong khu vực dân cư nên khói bụi từ đốt than gây ô nhiễm môi trường. Việc di dời các lò than ra khỏi khu dân cư hay chuyển đổi nghề đốt than sang nghề khác hết sức bức thiết. Dù vậy, để giải quyết vấn đề này, nhiều thách thức đang đặt ra.
Ô nhiễm môi trường do đốt than
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết, hiện trên địa bàn xã có 58 hộ làm nghề đốt than, với quy mô khoảng 80 lò. Các hộ đốt than chủ yếu tập trung ở các thôn 5, 6, 7. Mỗi hộ đốt than sử dụng 2 lao động đốt lò. Một lò than tạo thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các lò than còn tạo việc làm cho hơn 150 người làm thuê trực tiếp tại lò than hoặc vận chuyển than đi các nơi tiêu thụ với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Nghề đốt than ở xã Ea Bar tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, tuy nhiên cũng phát sinh những bất cập, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Năm 2016, Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đã lấy mẫu không khí ở một số vị trí thuộc thôn 6 (xã Ea Bar) để kiểm tra. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu thử nghiệm trong không khí như: tổng bụi lơ lửng, NO2, SO2 , CO đều vượt nhiều lần chỉ số an toàn cho phép. “Vấn đề ô nhiễm môi trường do đốt than gây ra nhức nhối từ lâu, địa phương cũng đã tích cực vận động người dân chuyển đổi nghề nghiệp nhưng một số hộ vì thiếu đất, không có nghề khác nên vẫn mưu sinh bằng nghề đốt than”, ông Hùng chia sẻ.
Những lò than ở thôn 6 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bốc khói nghi ngút trong khu dân cư. |
Không chỉ chính quyền địa phương mà ngay cả người dân làm nghề đốt than cũng muốn chuyển sang một công việc khác vì đốt than ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ. Ông Huỳnh Văn Dưỡng, Trưởng thôn 6 cho biết, thôn có 45 hộ làm nghề đốt than, đa phần đều không có ruộng rẫy. Bà con cũng biết đốt than là gây ô nhiễm, cũng muốn chuyển đổi nghề nhưng đến giờ vẫn chưa biết “bỏ” than thì sẽ làm nghề gì. Ông Phan Đình Phương, một hộ đốt than ở thôn 6 cho hay: Ông làm nghề này từ năm 1982 đến nay. Dù biết độc hại nhưng ngoài đốt than vợ chồng ông cũng không biết làm gì. “Nếu có một công việc tại chỗ tạo thu nhập để trang trải cuộc sống thì sẽ chuyển nghề. Đốt than thu nhập cũng không đáng là bao mà cơ cực lắm!”, ông Phương tâm sự. Tương tự, chị Trần Thị Bích Hằng, một chủ lò than ở thôn 6, cũng do không có đất và nghề nghiệp nên mới làm nghề đốt than. Nếu có một công ty hay đơn vị nào ở địa phương nhận vào làm thì vợ chồng anh chị sẵn sàng bỏ nghề. “Bây giờ bỏ đốt than thì lấy gì mà sống”, chị Hằng lo lắng.
Tìm phương án phù hợp để chuyển nghề
Để từng bước chuyển các hộ sản xuất than ra khỏi khu dân cư, Đảng ủy xã Ea Bar đã ban hành Nghị quyết tăng cường quản lý, xử lý vi phạm tiến đến chấm dứt hoạt động đốt than tại một số thôn. Ông Nguyễn Hữu Truyền, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar cho biết, để lò than không còn hoạt động trong khu dân cư cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự ủng hộ của người dân.
Trước mắt, địa phương tập trung tuyên truyền về tác hại của khí thải do đốt than gây ra đối với môi trường, sức khỏe của người dân... UBND xã cũng đang xây dựng phương án để thành lập một khu vực đốt than tập trung cách xa khu dân cư; tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện và các doanh nghiệp tổ chức hội chợ việc làm, kêu gọi các dự án đầu tư để giải quyết việc làm, tìm kiếm đối tác để hỗ trợ những lao động trong các lò than có nhu cầu đi xuất khẩu lao động... Được biết, xã Ea Bar đang làm các thủ tục cho Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Thành thuê lại khu đất khoảng 1 ha thuộc xã quản lý ở thôn 6 (hiện một số hộ dân tận dụng làm địa điểm đốt than) để triển khai mô hình trồng rau an toàn. Từ mô hình này, có thể giải quyết một phần lao động từ các lò than; tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó thu hút các hộ đốt than tham gia vào hợp tác xã. Một phương án khác được đặt ra đó là chuyển đổi cách đốt than truyền thống sang xây dựng các loại lò than mới không ô nhiễm môi trường.
“Quan điểm của địa phương không để lò than gây ô nhiễm tồn tại ở khu dân cư. Nhưng do nghề đốt than ở đây đã tồn tại nhiều năm, có nhiều gia đình sống phụ thuộc vào nghề này nên phải triển khai từng bước để vừa dẹp bỏ các lò than nhưng đồng thời cũng cũng tạo công ăn việc làm cho người dân ổn định cuộc sống”, ông Truyền chia sẻ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc