Multimedia Đọc Báo in

Người dân Cư Kty khổ sở vì ô nhiễm từ bãi rác

10:34, 14/05/2017

Những ngày vừa qua người dân thôn 5, xã Cư Kty (huyện Krông Bông) vô cùng bức xúc vì tình trạng rác thải ở bãi rác do huyện quy hoạch tại địa phương bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Kim Yến ở thôn 5, một hộ dân sống gần bãi rác phản ánh: Những tháng gần đây các đơn vị thu gom rác và người dân ở những nơi khác chở rác đến không đổ vào đúng bãi quy định mà đổ tràn lan từ cổng ra đến đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hằng ngày ruồi nhặng bay vào nhà dân đến nỗi ăn cơm phải mắc màn. Bên cạnh đó, các đơn vị thu gom rác thải không tiến hành xử lý khiến rác cứ mỗi ngày một chất đống, mùi hôi thối bốc lên. Người dân sống xung quanh không chịu nổi phải tự đem xăng ra đổ lên đốt gây ô nhiễm bầu không khí. Ông Vũ Xuân Thu, Trưởng thôn 5 cũng “kêu trời”: Xung quanh bãi rác có 121 hộ dân sinh sống. Vì không chịu nổi mùi hôi thối và ruồi nhặng từ bãi rác nên một số hộ đã phải di dời đi chỗ khác. Kho chứa xác sắn của Nhà máy tinh bột sắn đặt gần bãi rác trước đây có công nhân ở để trông coi nhưng nay rác đổ tràn lan lấn tới cửa khiến nhà kho phải đóng kín, công nhân bỏ đi. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã và huyện nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Xe rác của Công ty Hoàng Phương Nam đang đổ rác trên đường.
Xe rác của Công ty Hoàng Phương Nam đang đổ rác trên đường.

Tại bãi rác thôn 5, xã Cư Kty, chúng tôi tận mắt chứng kiến xe thu gom rác của Công ty Hoàng Phương Nam xả rác xuống ngay trên đường. Ông Trịnh Văn Lực, người thu gom và quản lý trực tiếp tại bãi rác thuộc công ty này cho hay, trước đây bãi rác chỉ có mỗi Công ty Hoàng Phương Nam đổ và xử lý nên không xảy ra tình trạng rác tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên từ khi huyện cho phép 4 xã Dang Kang, Hòa Thành, Cư Kty, Hòa Tân đổ chung rác vào bãi, tổ thu gom rác thải của các xã không đổ đúng hố rác, cũng không tiến hành phun thuốc tiêu hủy hằng tháng nên đã gây nên tình trạng ô nhiễm. “Hiện nay rác từ các xã đã đổ ngập lối vào bãi rác nên chúng tôi cũng đành đổ tiếp ra đường chứ không biết làm cách nào khác” – ông Lực phân trần.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Bông cho biết, bãi rác tại thôn 5, xã Cư Kty được huyện quy hoạch và đưa vào sử dụng vào năm 2010, sau đó giao lại cho Công ty Hoàng Phương Nam trực tiếp thu gom, xử lý và quản lý bãi rác. Năm 2016, huyện cho phép 4 xã cánh bắc đổ chung vào bãi rác thì xuất hiện những bất cập trong công tác quản lý. Để giải quyết tình trạng này, huyện sẽ yêu cầu Công ty Hoàng Phương Nam cùng các xã đổ rác tại bãi thuê máy ủi gạt rác từ cổng và đường xuống hố, đổ thuốc phân hủy sau đó sẽ phân chia từng khu vực đổ rác cho từng xã và công ty trong phạm vi hố rác đã được bao tường. Mỗi đơn vị sẽ có trách nhiệm quản lý vị trí đổ rác được phân chia. “Chúng tôi sẽ tiến hành làm barie đóng chắn ở trước cổng bãi rác và bố trí người canh gác, mỗi đơn vị sẽ được phân chia ngày đổ rác vào bãi để siết chặt quản lý…” – ông Nguyên nói.        

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.