Multimedia Đọc Báo in

Bức xúc việc xả rác thải tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột

08:58, 09/07/2017

Bên cạnh việc thu gom rác thải sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn 11 phường và 5 xã vùng ven của TP. Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk còn phụ trách việc quét dọn và thu gom rác thải cho 13 chợ trên địa bàn thành phố như: chợ phường Thành Công, xã Ea Kao, chợ Phan Đình Phùng (phường Thành Nhất), chợ Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi), chợ Đoàn Kết (xã Hòa Khánh)…

Ngoài một số chợ nhỏ có lượng rác thải xả ra không nhiều, tiểu thương và người dân xung quanh có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ở hầu hết các chợ còn lại,  công tác thu gom rác thải đang là vấn đề bức xúc đối với đơn vị thu gom.

Đơn cử như tại khu vực chợ phường Thành Nhất (gần ngã ba đường Nguyễn Thị Định và Nguyễn Phúc Chu), dù chợ chỉ có khoảng 50 tiểu thương buôn bán vào các buổi sáng song Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường đã đặt một thùng rác lớn với dung tích 4 m3 để thu gom rác thải. Tuy nhiên, do ý thức chưa tốt nên người dân thường xuyên vứt rác tràn lan, bừa bãi ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Có thời điểm, đơn vị thu gom phải sử dụng máy móc để gom, xúc liên tục hơn 10 m3 rác vứt bừa bãi ở phía ngoài thùng rác… Chợ Phan Đình Phùng (phường Thành Nhất) có số lượng tiểu thương buôn bán đông, trong đó có 300 hộ thuộc Ban Quản lý chợ quản lý, ngoài ra còn có các hộ buôn bán dọc đường Phan Đình Phùng và các đường xung quanh chợ thuộc UBND phường Thành Nhất quản lý. Do số lượng tiểu thương buôn bán đông lại thuộc hai đơn vị quản lý khác nhau, công tác tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương chưa thống nhất, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ buôn bán chưa cao dẫn tới tình trạng thường xuyên tồn tại một bãi rác tự phát trên đường Phan Đình Phùng (phía sau khu vực Nhà tang lễ tỉnh). Để bảo đảm vệ sinh môi trường, ngoài việc thu gom rác hằng ngày cho khu vực chợ, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường phải đảm nhiệm thêm việc xúc dọn bãi rác tự phát này. Tương tự, không chỉ thu gom rác theo lộ trình, Công ty cũng phải xúc dọn rác tồn đọng thường xuyên để bảo đảm vệ sinh môi trường quanh các khu vực chợ Phan Huy Chú (xã Hòa Xuân), chợ xã Ea Kao…

Người dân bỏ rác thải bừa bãi ngoài thùng ráctại khu vực chợ Thành Nhất.
Người dân bỏ rác thải bừa bãi ngoài thùng rác tại khu vực chợ Thành Nhất.

Bên cạnh việc thường xuyên xúc dọn rác tồn đọng do sự thiếu ý thức của người dân gây ra, đơn vị thu gom còn phải bố trí nhân lực, phương tiện để xịt rửa các điểm tập kết rác. Có thể nói, việc xả rác thải bừa bãi của người dân không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cho các khu vực chợ và dân cư xung quanh mà còn gây khó khăn, tốn kém cho đơn vị thu gom trong việc bố trí kinh phí để thực hiện. Hầu hết các khu vực chợ đều có hợp đồng thu gom rác thải và đóng kinh phí thu dọn rác hằng tháng. Tuy nhiên, với lượng rác thải xả ra bừa bãi như vậy thì việc thu không đủ chi là điều đương nhiên đối với đơn vị thu gom. Có khu vực chợ (chợ xã Hòa Xuân), các hộ tiểu thương cũng chỉ hợp đồng thu gom rác thải nhỏ lẻ từng hộ với đơn vị thu gom chứ chưa có hợp đồng thu gom xử lý rác thải của riêng chợ.

Được biết, chính quyền địa phương và Ban Quản lý các chợ cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân và các hộ tiểu thương giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác thải đúng nơi quy định. Tuy nhiên nhiều hộ vẫn chưa hình thành được ý thức, thói quen tập kết rác thải đúng chỗ, nhắc nhở nhiều nhưng chuyển biến chẳng bao nhiêu.   

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.