Xử lý hành vi vi phạm về môi trường còn nhiều khó khăn
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã được quan tâm và kịp thời có nhiều biện pháp để bảo vệ. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường gặp không ít khó khăn, nhất là xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Đại tá ĐOÀN QUỐC THƯ, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã chia sẻ về vấn đề này.
Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh. |
+ Lâu nay, những hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường gần như chỉ bị xử lý hành chính. Xin đồng chí cho biết, hiện nay pháp luật đã có biện pháp chế tài nào mạnh hơn đối với những hành vi này?
Quy định xử phạt hành chính các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường (không khí, đất, nước) đã có. Đặc biệt trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định cụ thể mức xử phạt các hành vi này. Theo Nghị định 155, hành vi xả thải ra môi trường có thể bị phạt mức 500 nghìn đến 500 triệu đồng tùy theo mức độ, tính chất vi phạm và loại rác thải thải vào môi trường. Bên cạnh những quy định về xử lý hành chính, thì Bộ luật Hình sự dành toàn bộ Chương XVII quy định các tội phạm về môi trường. Trong đó có Điều 182 (Tội gây ô nhiễm không khí), Điều 183 (Tội gây ô nhiễm nguồn nước), Điều 184 (Tội gây ô nhiễm đất) … Theo đó, người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; còn phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
+ Các biện pháp chế tài mạnh đối với hành vi xả thải ra môi trường đã có. Tuy nhiên, việc xử lý xử lý gặp phải một số khó khăn về nhân lực, về năng lực chuyên môn của cán bộ, về cơ chế… Đồng chí cho biết rõ hơn về những khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ này?
Thời gian qua, lực lượng Công an đã kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về môi trường; vi phạm ở mức độ nào sẽ áp dụng hình thức xử phạt ở ở độ đó. Nhưng việc xử lý hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường (không khí, đất, nước) vẫn chưa xử lý hình sự nhiều vì còn nhiều vướng mắc. Đơn cử việc xác định như thế nào là xả thải gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc xả thải gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng rất khó. Theo quy định, hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường phải bị xử lý hành chính, nếu chưa xử lý hành chính thì chưa thể xử lý hình sự. Chưa hết, trong xử lý vi phạm về môi trường bắt buộc phải tổ chức lấy mẫu, giám định xem mức độ xả thải như thế nào, nhưng hiện nay lực lượng chức năng nói chung và Công an nói riêng về điều kiện, phương tiện, thiết bị để phục vụ cho công tác này còn thiếu thốn; trình độ chuyên môn của đội ngũ thực thi nhiệm vụ này chưa được đào tạo bài bản. Sự phối hợp giữa lực lượng Công an với các đơn vị chức năng như Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị khác có nhiều bất cập.
Chai lọ thuốc trừ sâu vứt bừa bãi ở quanh khu vực ruộng vườn. (Ảnh chụp tại một góc rẫy cà phê ở huyện Ea H'leo) |
Một bất cập nữa trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là việc là việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Đa số nông dân sau khi bón phân, phun thuốc cho cây trồng đều vứt bao bì, chai lọ bừa bãi, chưa quan tâm đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng. Theo tôi, tỉnh cần hướng bà con nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững. Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn.Trước mắt cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học. Đặc biệt các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ thì công tác đấu tranh xử lý tội phạm về môi trường sẽ không còn gặp nữa.
+Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc