Nhân Ngày Nước thế giới (22-3)
Cấp thiết bảo vệ nguồn nước
Để tăng cường hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên nước, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái tài nguyên nước gia tăng, ngoài sự chủ động hơn trong quy hoạch, khai thác, sử dụng của các ngành chức năng đòi hỏi mỗi người dân cần có ý thức sống xanh.
Ô nhiễm nguồn nước
Thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh, cuộc sống của người dân bị xáo trộn khi nguồn nước giếng bị ô nhiễm. Đó là tình trạng nguồn nước của người dân ở thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana) và người dân ở buôn Jù, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) bị nhiễm xăng dầu. Lo sợ việc dùng nguồn nước nhiễm bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên họ phải chuyển sang mua nước lọc về để dùng trong việc ăn uống; còn nước sinh hoạt thì phải đến những khu vực không bị ô nhiễm để xin hoặc đi chở nước suối về dùng. Tuy nhiên, họ vẫn dùng nguồn nước ô nhiễm để tưới cho cây trồng, dù rất lo lắng, vì không có nguồn nước khác thay thế.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh thả cá vào hồ xử lý nước thải sinh hoạt thành phố để cải thiện nguồn nước. |
Với người dân ở thôn 10-3, xã Ea Bông (huyện Krông Ana), từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân trong thôn luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước sinh hoạt của họ chủ yếu từ các giếng khoan và giếng đào, thế nhưng nước giếng ở đây khi múc lên có màu đục, một số giếng nổi váng màu vàng, có mùi hôi. Dẫu biết việc sử dụng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng đành chịu.
Bên cạnh nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nguồn nước sông, hồ ở nhiều nơi cũng bị “bức tử” bởi hoạt động xả thải của con người và doanh nghiệp sản xuất. Đơn cử như việc một nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng chân trên địa bàn xã Krông Á (huyện M’Đrắk) xả nước thải trực tiếp ra suối Krông Á gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân sinh sống hai bên bờ suối. Hay như việc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Công ty TNHH Một thành viên Thành Vũ xả thải trực tiếp nước bẩn, chưa qua xử lý ra môi trường khiến suối Ea H’leo bị ô nhiễm cũng đang là vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay.
Không những thế, trên thực tế hiện nay, dưới những tác động của con người như: khai thác nguồn nước ngầm không đúng quy hoạch; lạm dụng phân bón hóa học cho cây trồng; khai thác và quản lý không hiệu quả các công trình cấp nước tập trung; nước thải công nghiệp chưa qua xử lý trước khi thải ra môi trường…, đã gây nên tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt.
Cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên nước
Có thể nói, việc khai thác và sử dụng nguồn nước không hợp lý đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, thể hiện rõ qua tình trạng hạn hán kéo dài, lượng mưa diễn biến thất thường, mực nước ngầm suy giảm. Minh chứng rõ hơn nữa là người dân vùng đô thị phải chịu cảnh cúp nước luân phiên, còn ở khu vực nông thôn vào mùa khô thì cả nước giếng lẫn sông suối cũng không đủ dùng trong sinh hoạt lẫn sản xuất cho người dân. Không những thế, thực tế hiện nay cho thấy, lượng nước mặt, nước ngầm trên các lưu vực sông của tỉnh như sông Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng đang bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân...
Người dân xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) sử dụng bồn để trữ nước phục vụ sinh hoạt. |
Trước thực trạng trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước cũng đã có nhiều chương trình, hành động thiết thực: Công ty TNHH Cấp nước Buôn Ma Thuột đang xây dựng dự án cấp nước tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, công suất 20.000 m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng nhằm cung cấp nước cho 5 xã của huyện Cư Kuin và bổ sung một phần cho TP. Buôn Ma Thuột; các đơn vị, địa phương hỗ trợ các buôn đồng bào dân tộc thiểu số khôi phục, tu bổ, bảo tồn các bến nước; Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh tăng cường bảo vệ cây đầu nguồn bến nước. Đặc biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức tập huấn Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước cho cán bộ và các đơn vị khai thác nước ngầm tại các huyện, thị, thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời hướng dẫn đăng ký việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất…
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước bền vững, bên cạnh nỗ lực của các ngành chức năng, mỗi người dân cần thay đổi thói quen sử dụng nước lãng phí trong sinh hoạt lẫn sản xuất. Chỉ cần những hành động đơn giản như sử dụng nước tiết kiệm, tham gia nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh thoát nước, tận dụng nguồn nước mưa trong sinh hoạt, thực hiện đóng phí môi trường… sẽ góp phần bảo tồn nguồn nước trước những thách thức, khó khăn hiện nay.
Quả thật, trong bối cảnh đô thị hóa và sự phát triển kinh tế như hiện nay thì hơn lúc nào hết, đòi hỏi cả cộng đồng cùng chung tay để bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Ngày Nước thế giới (22-3) năm 2018 có chủ đề “Nước với thiên nhiên” hướng đến việc tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng tăng. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc