Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm cho loài cây thời tiền sử

07:40, 25/04/2018
Những chồi non thủy tùng mới ngày nào được ghép vào rễ thở của cây thủy tùng mẹ hay những cành thủy tùng bé tẹo được nuôi thành cây trong ống nghiệm nay đã vươn lên thành những cây thủy tùng xanh tươi giữa vùng đầm lầy. Đó là thành quả bước đầu của Ban quản lý (BQL) Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng ) trong việc bảo tồn cây thủy tùng  loài cổ thực vật sống cùng thời với khủng long.

Theo chân anh Võ Thành Tám, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral (thuộc BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước đi thăm thú quần thể thủy tùng ở Ea Ral (thuộc xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) chúng tôi được chứng kiến những cây thủy tùng cổ  thụ vươn lên xanh tốt giữa vùng đầm lầy ngập nước. Vừa đi anh Tám  tranh thủ giới thiệu về “tài sản” mà đơn vị đang gìn giữ - đó là quần thể thủy tùng  gồm 140 cây phân bố trên diện tích rộng 28 ha với nhiều độ tuổi, kích thước khác nhau, trong đó có những “cụ” thủy tùng đã 700 năm tuổi, đường kính thân cây rộng cả mét. “Quần thể này là báu vật của tự nhiên, tuy nhiên khoảng hơn 40 năm trở lại đây, quần thể này không  có cây non nào được phát triển, trong khi đó, hầu hết các cây thủy tùng còn lại thì đang bị thoái hóa nghiêm trọng do tuổi tác.  Nếu không có cây non thay thế, loài cây quý hiếm này sẽ tuyệt chủng trong tương lai. Vì thế, khi nhận trách nhiệm bảo tồn thủy tùng, cán bộ, nhân viên đơn vị không khỏi lo lắng, nhưng bây giờ thì có hy vọng rồi, đã có thêm một số “cháu” thủy tùng được sinh ra và phát triển ở đây”.

Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước đang tiến hành ghép mắt thủy tùng với  rễ thở.
Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước đang tiến hành ghép mắt thủy tùng với rễ thở.

Nói rồi, anh Tám dẫn chúng tôi băng qua một khu sình lầy ngập nước, đầy cây bụi đến nơi có 3 cây thủy tùng cao hơn 4 mét, đường kính thân khoảng 10 cm. Thấy vẻ mặt đầy kinh ngạc của chúng tôi, anh Tám lý giải: Đây là những cây thủy tùng ghép được gần 4 năm tuổi - thành quả của sự phối hợp giữa BQL Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước với Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới ở Gia Lai. Theo đó, dùng một mắt ghép lấy từ một cây thủy tùng sống, rồi ghép vào rễ thở của cây thủy tùng mẹ. Những mắt ghép này sau khi liền vết ghép với rễ thở sẽ nhận được chất dinh dưỡng từ rễ thở nảy mầm, phát triển thành cây. “Khi thử nghiệm phương pháp này, có rất nhiều điều lo lắng:  liệu mắt ghép khi lớn lên có thể chịu đựng được những tác động vật lý của tự nhiên; rễ thở có đủ chất dinh dưỡng để nuôi lớn cây con… hay không? Nhưng sau 4 năm “hồi hộp” theo dõi, cây sinh ra từ mắt ghép phát triển tốt mà không ảnh hưởng đến cây mẹ nên đơn vị tiếp tục ghép thêm một số mắt ghép với rễ thở”, anh Tám cho hay.

Tiếp đó, anh Tám đưa chúng tôi đến khu vực giáp ranh với rẫy của người dân, một vạt cây thủy tùng cao khoảng 2 mét phát triển xanh tốt. Anh Tám cho biết: Bên cạnh phương pháp ghép  rễ thở, tháng 11-2015 BQL Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới ở Gia Lai khảo sát thực địa và tiến hành trồng thử nghiệm 140 cây thủy tùng được tái sinh bằng phương pháp giâm hom (cắt một cành cây thủy tùng sau đó nhúng vào hóa chất nuôi trong phòng thí nghiệm cho ra rễ sau đó đưa ra thực địa trồng). Đến nay, những cây thủy tùng này đã thích nghi và phát triển tốt, có những cây cao hơn 2 mét. “Dù chỉ mới trồng thử nghiệm và đang trong giai đoạn theo dõi, tuy nhiên cả hai phương pháp ghép rễ thở và giâm hom đảm bảo cho ra cây thủy tùng con thuần chủng 100%  điều này rất quan trọng trong việc bảo tồn loài cây này”, anh Tám khẳng định.

Những mắt ghép thủy tùng trên rễ thở đã phát triển thành cây con.
Những mắt ghép thủy tùng trên rễ thở đã phát triển thành cây con.

Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc BQL Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước, dù việc nhân giống cây thủy tùng đã có những kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn vì chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài, còn điều kiện của đơn vị hiện nay đang thiếu thốn đủ bề: trụ sở làm việc vẫn ở trên đất của người dân, thỉnh thoảng họ lại kéo đến gây sự đòi đất; phương tiện kỹ thuật, con người để phục vụ việc nghiên cứu, nhân giống cây thủy tùng chưa có… Do đó, để bảo tồn bền vững loài cổ thực vật có lịch sử phát triển hàng triệu năm này rất cần một dự án bài bản nghiên cứu, sản xuất ra cây giống thủy tùng thuần chủng, thích nghi và phát triển được trong môi trường mà cây thủy tùng mọc tự nhiên đang sinh sống.

Thủy tùng hay còn gọi là thông nước tên khoa học là (Glyptostrobus pensilis)  thuộc nhóm IA, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài cây này là Trung Quốc,  Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, thủy tùng còn lại ở 3 địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk gồm: huyện Ea H’leo (140 cây), huyện Krông Năng (21 cây), thị xã Buôn Hồ (1 cây).

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc