Multimedia Đọc Báo in

Trang trại nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm

07:46, 05/10/2018

Nhiều năm nay, cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của hàng chục hộ dân ở thôn 15, xã Ea Đar (huyện Ea Kar) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi phát tán từ trang trại nuôi heo của hộ ông Chu Hồng Sơn nằm ngay trong khu dân cư.

Theo phản ánh của nhiều người dân thôn 15, trong quá trình chăn nuôi gần 10 năm qua, trang trại này không bảo đảm vệ sinh môi trường, thường xuyên xả chất thải và nước thải chưa qua xử lý xuống một hố lộ thiên bốc mùi hôi thối. Nhất là từ năm 2016 đến nay, ông Sơn đã liên tục tăng số lượng đàn heo lên hàng trăm con khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân đã nhiều lần gặp trao đổi, ý kiến với ông Sơn nhưng đều bị phản ứng gay gắt.

Đã gần 8 năm nay gia đình ông Trần Hùng Mạnh (thôn 15) có nhà sát vách với trang trại nuôi heo phải sống chung với mùi hôi thối như vậy. Để ngăn bớt mùi hôi, ruồi nhặng vào nhà, ông Mạnh phải thường xuyên đóng kín cửa, bất kể ngày đêm. Gia đình ông có 1 sào đất trồng tiêu nằm gần hố chứa nước thải nên chỉ cần một trận mưa lớn là phân heo tràn hết lên vườn khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn.

Hố chứa nước thải chăn nuôi của hộ ông Chu Hồng Sơn không được che đậy, bao tường xung quanh.
Hố chứa nước thải chăn nuôi của hộ ông Chu Hồng Sơn không được che đậy, bao tường xung quanh.

Tuy nhiên, điều mà ông Mạnh cũng như các hộ dân lo ngại nhất hiện nay là nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm khi giếng nước của một số hộ dân nằm gần khu vực hố chứa nước thải có mùi hôi và sủi bọt buộc họ phải trang bị thêm hệ thống lọc nước hoặc đi xin nước nhà khác về dùng. Đơn cử như ông Trương Ngọc Thành (thôn 15) có một giếng đào sâu 7 mét (cách hố chứa nước thải của trang trại heo ông Sơn 70 mét), từ năm 2015, ông Thành phát hiện nước giếng có màu vàng nhẹ và mùi hôi nên đã ngừng sử dụng, phải sắm thêm bồn chứa loại 1.000 lít rồi lấy nước từ các hộ khác về dùng.

Trước tình trạng đó, các hộ dân đã làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Thanh Huấn, Chủ tịch UBND xã Ea Đar cho biết: Tháng 8-2016, sau khi nhận được kiến nghị của người dân thôn 15 về việc hộ ông Chu Hồng Sơn lập trang trại chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm, UBND xã đã thành lập đoàn xuống kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra cho thấy, trang trại heo có diện tích khoảng 200 m2, với 147 con heo, toàn bộ nước thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra hố phân lộ thiên gây mùi hôi thối, hầm bioga đã xuống cấp, hư hỏng … Ông Sơn đã thừa nhận sai phạm và cam kết sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, hết thời gian cam kết (tháng 4-2017) ông Sơn vẫn không chấp hành.

Sau đó địa phương đã nhiều lần tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở và tiến hành xử phạt hành chính 1.250.000 đồng đối với chủ trang trại nuôi heo về lỗi để phát tán khí độc hại ra môi trường. Tuy nhiên ông Sơn vẫn chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và có thái độ không hợp tác với chính quyền địa phương. Thậm chí, ông Sơn còn tự ý mở rộng quy mô chăn nuôi và tăng số lượng đàn khiến người dân vô cùng bức xúc và tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền.

Nước giếng của gia đình ông Trương Ngọc Thành (thôn 15) có mùi hôi tanh.
Nước giếng của gia đình ông Trương Ngọc Thành (thôn 15) có mùi hôi tanh.

Ngày 19-9-2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, UBND xã Ea Đar và Ban tự quản thôn 15 đã tiến hành làm việc với hộ ông Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, trang trại chăn nuôi có diện tích gần 300 m2 với tổng đàn heo là 230 con (200 heo thịt và 30 heo nái). Chủ chăn nuôi đã xây lắp thêm 2 hầm biogas (20 m3/hầm) để xử lý nước thải và phân heo, tuy nhiên vẫn còn một lượng phân heo được tập kết ngoài trời không được lót đáy gây phát tán mùi hôi, ô nhiễm nguồn đất, nước; hồ chứa nước thải không có tường bao, không được che đậy dẫn đến chảy tràn khi trời mưa to; chuồng trại chưa được tiêu trùng, khử độc… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ chăn nuôi phải thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu mùi hôi và cho đến hết ngày 31-12-2018 phải giảm đàn xuống còn 50%, đồng thời phải xây dựng kế hoạch di dời trại chăn nuôi giai đoạn 2018-2020 theo quy định của huyện...

Bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar cho biết: “Hết thời hạn khắc phục mà hộ ông Chu Hồng Sơn vẫn không thực hiện giảm đàn và các biện pháp bảo vệ môi trường thì Đoàn kiểm tra sẽ tham mưu cho UBND huyện thực hiện các biện pháp cưỡng chế buộc chủ trang trại phải tuân thủ các nội dung đã cam kết”.

Có thể thấy, qua nhiều lần bị kiểm tra, xử lý nhưng chủ trang trại heo vẫn cố tình không chấp hành, thể hiện thái độ coi thường pháp luật. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần quan tâm và có biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm vụ việc, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.