Quản lý bảo vệ rừng: Khổ với... mùa khô!
Mùa khô đang bước vào thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực, các hành vi gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng tăng cao khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô quản lý, bảo vệ 26.848,2 ha giáp ranh với 9 xã thuộc 5 huyện của 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Gia Lai. Đời sống của người dân ở những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn nên thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản trái phép kiếm thêm thu nhập. Vào mùa khô, thời tiết thuận lợi, đường đi lại dễ dàng hơn nên tình trạng này càng tăng thêm.
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra bảo vệ rừng. |
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô, vào mùa khô rất vất vả khi cùng lúc phải chống lại hai mối nguy là cháy rừng và lâm tặc. Do đặc trưng rừng ở đây có khoảng 5.000 ha trảng cỏ, vào mùa khô những trảng cỏ này khô, rất dễ bắt lửa gây cháy. Bên cạnh đó, lợi dụng thời điểm này, những đối tượng săn bắn thường đốt các trảng cỏ để nhử các loài động vật rừng đến ăn các loại khoáng có trong tro vụ cháy, vừa gây nguy hiểm tính mạng của những loài động vật rừng, vừa gây cháy trên diện rộng không thể kiểm soát.
Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, đóng biển báo, tổ chức họp dân tuyên truyền về công tác PCCC rừng; cày 77 ha đường băng cản lửa; cắt cử lực lượng ứng trực ngày đêm; tiến hành đốt có kiểm soát tại những khu vực có khả năng cháy cao nhằm tránh các đám cháy bùng phát trên diện rộng… Cũng vào mùa khô, dễ di chuyển trong những cánh rừng khô ráo nên lâm tặc thường xuyên vào rừng để khai thác lâm sản và săn bắn, đặc biệt là khu vưc giáp ranh với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Để đối phó với tình trạng này, đơn vị đã phải lập một trạm “dã chiến” thường xuyên có 8 nhân viên kiểm lâm và người dân nhận khoán túc trực ngày, đêm. Do lán tạm nên điều kiện sinh hoạt còn rất nhiều khó khăn. “Vào mùa khô nguồn nước khu vực này rất hiếm hoi, anh em phải gạn nước đục từ một con suối cạn để nấu ăn và sinh hoạt. Dù vậy mọi người vẫn nỗ lực bám trụ để an ninh rừng được đảm bảo”, ông Hùng chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có 504.163,7 ha rừng, trong đó có 460.460,9 ha rừng tự nhiên, 43.702,8 ha rừng trồng. |
Vất vả không kém, tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, với đặc trưng là hệ sinh thái rừng khộp, địa hình bằng phẳng nên vào mùa khô việc di chuyển trong Vườn trở nên dễ dàng, lâm tặc cũng dễ xâm nhập. Bên cạnh đó, còn có 7 xã vùng đệm, với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng; đặc biệt trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sống ở trong vùng lõi của Vườn. Đời sống của người dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng, mùa khô phần lớn đất nông nghiệp không có nước để canh tác nên nhiều người đổ xô vào rừng kiếm thêm thu nhập đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết : Trong thời gian này, đơn vị phải tập trung tối đa quân số, tăng cường tuần tra, chốt chặn những khu vực dễ bị tác động. Ở những nơi tập trung nhiều cây gỗ quý, Kiểm lâm Vườn phải thay nhau túc trực ngày đêm để phòng ngừa, hạn chế những hành vi gây tác động đến tài nguyên rừng.
Xe máy độ chế dùng để vận chuyển gỗ bị Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thu giữ. |
Xác định việc quản lý, bảo vệ rừng trong mùa khô luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương và chủ rừng triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật; đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra chặt chẽ các xưởng chế biến gỗ; điều tra xử lý các tổ chức, cá nhân phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái pháp luật; triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc