Multimedia Đọc Báo in

Nước sạch và vệ sinh nông thôn: Thay đổi nhận thức người dân

12:09, 29/03/2019

Là một trong những tỉnh, thành được hỗ trợ thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 – 2020, đến nay sau hơn 2 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt thay đổi nhận thức của người dân vùng nông thôn trong tỉnh.

Hiệu quả bước đầu

Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình có 3 hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Theo đó, mục tiêu cấp nước sạch cho 14.000 hộ dân, cấp nước và vệ sinh trường học cho 114 trường; xây mới hoặc cải tạo 4.400 nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) của hộ dân, 60 công trình vệ sinh, cấp nước và các thiết bị rửa tay, xử lý nước sạch cho 60 trạm y tế; xây dựng 30 xã đạt vệ sinh toàn xã …

Người dân xã Bông Krang (Lắk) vui mừng khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Người dân xã Bông Krang (Lắk) vui mừng khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Đến nay, Chương trình đã hỗ trợ cấp nước sạch cho hơn 4.526 hộ dân; xây dựng và sửa chữa NTHVS cho hơn 1.000 hộ gia đình; cấp nước và các thiết bị rửa tay, xử lý nước sạch cho 17 trạm y tế, 13 trường học. Theo ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, việc triển khai Chương trình đã thực sự mang lại hiệu quả rõ nét ở tất cả các hợp phần. Đó không chỉ là việc cung cấp nguồn nước sạch, xây dựng NTHVS mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng từ quá trình đầu tư xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình sau đầu tư một cách hiệu quả.

Chương trình sẽ được giải ngân dựa trên kết quả, cụ thể như với chương trình hỗ trợ xây dựng NTHVS hộ gia đình thì các hộ dân sẽ tự xây, sau đó cán bộ chức năng sẽ đến kiểm tra thực tế từng hộ gia đình; hộ nào xây dựng đạt tiêu chuẩn thì mới được hỗ trợ 50 USD/hộ; hay với các công trình cấp nước sạch, sau 2 năm đi vào hoạt động khi được kiểm tra tại các hộ gia đình đang sử dụng nước đạt tiêu chuẩn thì công trình đó mới được hỗ trợ vốn xây dựng… Qua đó, đã gắn trách nhiệm của đơn vị quản lý, cán bộ địa phương và cả người dân; hơn thế nữa, các công trình đều phát huy hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sử dụng, bảo quản nguồn nước sạch.

Thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống

Tại các xã được hưởng lợi từ Chương trình như Quảng Điền, Bình Hòa, Đray Sáp, Băng Adrênh, Dur Kmăn và Ea Na (huyện Krông Ana), vệ sinh môi trường đã có những cải thiện đáng kể. Trong đó, hiệu quả rõ nhất là việc xây dựng NTHVS cho hộ gia đình, nhà vệ sinh trạm y tế và nhà vệ sinh trường học. Theo kế hoạch, Chương trình chỉ hỗ trợ trên 1.000 hộ dân thuộc 6 xã xây dựng NTHVS (50 USD/hộ), tuy nhiên trên thực tế đã có hàng trăm hộ dân khác trong các thôn, buôn đã nhận thức và học hỏi làm theo mà không chờ sự hỗ trợ nào. Xã Bình Hòa đã vận động được hơn 40 hộ dân tự bỏ kinh phí xây dựng NTHVS, nâng tỷ lệ hộ dân có NTHVS lên trên 90%; xã Đray Sáp cũng đã vận động được thêm hơn 30 hộ dân tự đầu tư kinh phí xây dựng NTHVS, nâng tổng số hộ dân có NTHVS lên trên 80%... Có thể nói, hiệu quả Chương trình mang lại tích cực nhất không chỉ là cải thiện được điều kiện sống, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho các hộ được thụ hưởng mà trên hết là thay đổi nhận thức, hành vi trong việc xây dựng, sử dụng NTHVS của người dân.

Một hộ dân ở xã Dray Sáp được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Một hộ dân ở xã Dray Sáp được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Về hợp phần cấp nước, trong năm 2018, Chương trình đã hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 3 công trình và xây mới 1 công trình tại các huyện Krông Bông, Lắk và Cư M'gar. Qua đó, đã cấp nước cho khoảng 2.500 hộ dân, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sạch trong mùa khô cũng như đảm bảo nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt cho người dân. Bà Nhan Lưk (buôn Đắk Ju, xã Bông Krang, huyện Lắk) chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 2-2019, công trình cấp nước sinh hoạt xã được đưa vào vận hành ai cũng vui mừng, phấn khởi. Riêng gia đình tôi đã yên tâm sử dụng nguồn nước mà không phải lo đi gùi nước vào mùa khô hay phải dùng nguồn nước giếng ô nhiễm vào mùa mưa”. Được biết, công trình cấp nước xã Bông Krang, huyện Lắk được đầu tư nâng cấp, cải tạo và phục vụ nước sinh hoạt cho trên 700 hộ dân trên địa bàn một số buôn của xã.

Quả thực, với những hiệu quả từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” mang lại, đời sống nhiều hộ dân ở vùng nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn đã được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân; đồng thời góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường; xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh là trên 249 tỷ đồng; trong đó vốn vay cấp phát hỗ trợ gần 210 tỷ đồng, UBND tỉnh vay lại gần 18 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 22 tỷ đồng. Dự kiến địa phương sẽ hoàn thành Chương trình vào năm 2021.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.