Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Nhiều khu vực khai thác sét khó hoàn trả mặt bằng

11:20, 19/04/2019
Krông Ana là địa phương có số cơ sở sản xuất gạch lớn nhất tỉnh, nên diện tích đất hoang hóa sau khai thác đất sét sẽ rất nhiều. Do đó, việc hoàn trả mặt bằng, cải tạo đồng ruộng ở những khu vực này là hết sức cần thiết để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất.
 
Năm 2007, các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện đã đầu tư máy móc chuyển đổi từ lò thủ công sang lò đốt theo công nghệ liên tục kiểu đứng. Theo thống kê, toàn huyện có 67 cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ này, sản lượng 260 triệu viên/năm, cung cấp đủ nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận. Theo tính toán, hằng năm nhu cầu đất sét phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện khoảng 325.000 m3, đây là khối lượng rất lớn, đồng nghĩa với việc mỗi năm sẽ có nhiều cánh đồng, khu vực mất khả năng sản xuất do tình trạng khai thác sét để lại.
 
Một vị trí tại cánh đồng buôn Rung (thị trấn Buôn Trấp) bị khai thác quá độ sâu cho phép.
Một vị trí tại cánh đồng buôn Rung (thị trấn Buôn Trấp) bị khai thác quá độ sâu cho phép.
Hiện nay, số diện tích cải tạo đã đưa vào sản xuất rất thấp; bên cạnh đó, phần lớn diện tích không thể cải tạo do khai thác sét quá độ sâu cho phép. Cụ thể như tại xã Ea Bông có khoảng 152 ha đất nông nghiệp có trữ lượng sét, tập trung tại các cánh đồng buôn Sah, M'blớt và đã có 52 ha được các cơ sở sản xuất gạch tiến hành khai thác sét. Trong đó, có 28 ha đã được cải tạo đưa vào sản xuất, 17 ha chưa cải tạo và 7 ha không thể cải tạo được do khai thác sét quá sâu. Qua quan sát thực tế cho thấy, nhiều khu vực ruộng bị các cơ sở khai thác rất sâu, từ 3 – 5 mét, tạo thành một vùng trũng lớn khiến việc hoàn trả mặt bằng rất khó.
 
Theo thống kê, toàn huyện Krông Ana có 272 ha đất nông nghiệp có trữ lượng sét. Trong đó, diện tích đã cải tạo, đưa vào sản xuất 31,5 ha; chưa cải tạo hơn 71 ha; còn lại gần 169 ha có trữ lượng sét nhưng chưa khai thác.
 
 

Thị trấn Buôn Trấp có mỏ đất sét trữ lượng rất lớn, với diện tích gần 120 ha chủ yếu tập trung ở cánh đồng buôn Rung và Quỳnh Tân, đã khai thác gần 52 ha. Đến nay mới chỉ có 3,5 ha được cải tạo đưa vào sản xuất, còn lại 48 ha đã khai thác sét không cải tạo được.

Ông Trịnh Thành Đô, Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp cho biết, thông thường để được khai thác sét trên các chân ruộng, chủ cơ sở thường thỏa thuận với người dân sẽ hoàn trả lại mặt bằng sau khi thu gom xong để tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, các cơ sở đã khai thác quá sâu, có nhiều vị trí bị đào sâu từ 4 – 5 m nên việc hoàn trả mặt bằng không thể thực hiện. Theo kết quả kiểm kê đất năm 2016 của UBND thị trấn Buôn Trấp, từ năm 2015 trở về trước, phần lớn diện tích tại cánh đồng buôn Rung và thôn Quỳnh Tân đã bị khai thác trắng, không còn khả năng phục hồi để sản xuất nông nghiệp.
 
Khu vực cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị hoang hóa do tình trạng khai thác sét.
Khu vực cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị hoang hóa do tình trạng khai thác sét.
Hiện tại UBND thị trấn Buôn Trấp đã lập phương án quản lý, cải tạo đất hoang hóa trên địa bàn năm 2018 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đối với diện tích bị hoang hóa từ năm 2015 về trước sẽ tiến hành thu hồi đưa vào quỹ đất 5% của thị trấn để giao một phần cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào thiếu đất sản xuất chuyển ngành nghề trồng sen hoặc nuôi trồng thủy sản, diện tích còn lại giao cho các tổ chức, cá nhân có hợp đồng nuôi, trồng thủy sản để tránh bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.
 
Ông Trần Đình Chiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho hay, việc cải tạo khu vực khai thác sét để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản là rất bức thiết nhằm tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Do đó, UBND huyện đã có phương án cải tạo đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp, đồng thời tận thu sét để sản xuất gạch đến năm 2020 trên địa bàn huyện.
 
Theo đó, huyện yêu cầu UBND xã Ea Bông rà soát lại hợp đồng giữa chủ đất và cơ sở sản xuất gạch san ủi lại mặt bằng, cơ sở nào không thực hiện thì đề nghị thu hồi đất; xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp rà soát, thống kê các diện tích khai thác quá độ sâu để đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Hiện nay, phương án này đang chờ UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt.
 
 
 
Hoàng Tuyết
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.