Multimedia Đọc Báo in

Từ bỏ thói quen có hại môi trường và sức khỏe

09:50, 23/05/2019

Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được phát động mạnh mẽ với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Để phong trào thực sự đạt hiệu quả và lâu dài, ngoài sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đòi hỏi mỗi người dân phải cùng chung tay hành động.

Không thể phủ nhận sự tiện dụng của việc sử dụng túi ni lông, chai lọ nhựa trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Những sản phẩm này có đủ kích cỡ, mẫu mã, có thể đựng được nhiều dạng thực phẩm, hàng hóa mà không sợ đổ hoặc dính vào vật dụng khác; không những thế, lại có thể tái sử dụng để đựng rác thải rồi vứt đi mà giá thành lại khá rẻ, thậm chí là không phải mất tiền mua. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, hiểu được tác hại của chất thải nhựa, khi mà trong quá trình phân hủy sẽ tạo ra những hợp chất hóa học làm ô nhiễm nguồn đất, nước và trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thức ăn, nước uống và sức khỏe của con người. Chính vì thế, đã đến lúc từ bỏ thói quen có hại, bắt đầu từ việc hạn chế và tiến tới không dùng các sản phẩm nhựa như túi ni lông, chai lọ, ống hút, ly, bát…

Túi ni lông vẫn được người dân sử dụng nhiều khi đi chợ.
Túi ni lông vẫn được người dân sử dụng nhiều khi đi chợ.

Mới đây, một số tổ chức Hội Phụ nữ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã phát động, tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông bằng cách sử dụng làn nhựa, hộp nhựa, túi thân thiện với môi trường để đi chợ, đựng thực phẩm. Đơn cử như Hội LHPN phường Thắng Lợi với phong trào phụ nữ chống rác thải nhựa và xây dựng đô thị văn minh đã tặng hơn 60 chiếc làn nhựa cho chị em để đi chợ.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hồng (Tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi), trước đây sau những lần đi chợ, mua hàng hóa, trung bình mỗi ngày, gia đình chị thường thải ra môi trường từ 7-10 chiếc túi ni lông. Từ khi sử dụng làn nhựa kèm theo các hộp nhựa để đựng, lượng rác giảm đi nhiều, nhất là túi ni lông. Hay như Hội LHPN xã Hòa Thuận đã phát động phụ nữ dùng làn nhựa để đi chợ, thu gom rác thải nhựa tại khu vực chợ; các tiểu thương, hộ kinh doanh buôn bán sử dụng lá chuối để đựng sản phẩm, thực phẩm thay túi xốp, túi ni lông…

Để hạn chế rác thải nhựa tại các gian hàng ở Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay, Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đang tuyên truyền, vận động các quầy hàng sử dụng ống hút thân thiện môi trường như ống hút gạo, ống tre và giấy để thay thế cho ống hút nhựa. Trước đó, đơn vị đã vận động các gian hàng đang sử dụng ly nhựa để phục vụ nước uống cho du khách chuyển sang dùng ly thủy tinh; đặc biệt, đã có gian hàng sử dụng các sản phẩm từ giấy như ly, ống hút, túi đựng trong hoạt động kinh doanh.

Theo anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện tại đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gian hàng tiến đến nói không với ống hút nhựa và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa khác. Theo dự kiến vào đầu tháng 6-2019, đồng loạt các gian hàng đang hoạt động trong khu vực Đường sách sẽ bắt đầu sử dụng ống hút thân thiện môi trường vào hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Được biết, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đã, đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh; trung bình mỗi ngày nơi đây đón từ 300-500 lượt khách; vào ngày cuối tuần khoảng 700 khách, chưa kể các dịp lễ hội có thể lên đến hàng nghìn khách. Chính lẽ đó, nếu các sản phẩm thân thiện môi trường được đưa vào sử dụng không chỉ góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa, mà hơn thế nữa sẽ góp phần thay đổi nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp; thay đổi thói quen của người dân và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột giới thiệu các sản phẩn thân thiện môi trường đang được một số gian hàng sử dụng.
Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột giới thiệu các sản phẩn thân thiện môi trường đang được một số gian hàng sử dụng.

Trên thực tế, những năm qua, nhiều tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình, phong trào bảo vệ môi trường như: “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, "Đi chợ cùng làn nhựa", Câu lạc bộ Phụ nữ “nói không với túi ni lông”, “Con đường xanh - sạch - đẹp”; “Bảo vệ môi trường xanh vì nếp sống văn minh đô thị"... Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường trong hoạt động kinh doanh như: Siêu thị Coop Mart Buôn Ma Thuột sử dụng túi ni lông tự hủy thay thế túi ni lông thông thường, gói rau bằng lá chuối; quán cà phê Dr. Rau 47 (TP. Buôn Ma Thuột) đưa vào sử dụng ống hút tinh bột thay thế ống hút nhựa… Tuy nhiên, nếu chỉ có sự vào cuộc của các đơn vị, ban, ngành này thì chưa đủ mà cần phải thay đổi nhận thức của người dân; bởi trên thực tế, họ chính là đối tượng sử dụng, tiêu thụ và thải phần lớn rác nhựa, túi ni lông ra môi trường. Nếu thay đổi được hành vi, thói quen này của phần lớn người dân thì vấn nạn chất thải nhựa, túi ni lông sẽ hạn chế đáng kể.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi ni lông/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỷ túi ni lông bị thải ra, nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.