Multimedia Đọc Báo in

Khi bảo vệ môi trường trở thành tiêu chí trong giáo dục

08:45, 16/06/2019

Trung tuần tháng 5 vừa qua Philippines đã thông qua Luật "Di sản tốt nghiệp vì môi trường". Điểm đáng chú ý nhất của luật này là mỗi học sinh, sinh viên từ tiểu học, trung học đến đại học đều phải trồng 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Theo tính toán của các nhà làm luật, với hơn 12 triệu học sinh tốt nghiệp tiểu học, gần 5 triệu học sinh tốt nghiệp trung học và gần 500.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, nếu luật được tuân thủ, sẽ đảm bảo ít nhất 175 triệu cây mới được trồng mỗi năm ở Philippines.

Học sinh, sinh viên sẽ được khuyến khích trồng cây ở rừng ngập mặn, rừng hiện có, khu bảo tồn, phạm vi quân sự, khu khai thác mỏ bị bỏ hoang, một số khu vực đô thị xanh nằm trong quy hoạch của nhà nước và các khu đất thích hợp khác. Việc trồng cây được tính toán, cân nhắc, xem xét vị trí, khí hậu và địa hình của khu vực chuẩn bị trồng để chọn loại cây phù hợp.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Một trường học ở Đông Bắc Ấn Độ cũng đã thực hiện một cách tiếp cận mới để giải quyết rác thải nhựa, đó là yêu cầu học sinh nộp rác thải thay vì... học phí. Cụ thể là hằng tuần, 110 học sinh của Trường Akshar Forum, ngoại ô thành phố Dispur thuộc bang Assam đều được yêu cầu nộp 20 vật nhựa bỏ đi mà các em thu thập được tại khu vực địa phương. Nếu nộp đủ số rác, các em sẽ không phải đóng học phí. Học sinh của trường cũng được yêu cầu nhét túi nhựa vào trong chai nhựa để làm "gạch sinh thái", được sử dụng để xây dựng tường rào, nhà vệ sinh hay các lối đi. Sáng kiến trên xuất phát từ thực trạng người dân trong khu vực có thói quen đốt rác thải nhựa để sưởi ấm, khiến môi trường xung quanh chứa đầy khói độc.

Những cách làm sáng tạo, thú vị này thực sự đáng chú ý trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu; đặc biệt góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người trong hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Theo thống kê mỗi năm lượng con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Những sáng kiến trên càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi giáo dục cho các thế hệ tương lai ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và trách nhiệm.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.