Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại ô nhiễm không khí

08:36, 05/06/2019

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp; trong đó ô nhiễm môi trường không khí đã và đang là thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Theo báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm không khí, nhất là tại các thành phố lớn đang ở mức báo động. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các chỉ số NOx, CO - các hợp chất có trong khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã vượt mức cho phép 1,2 - 1,5 lần. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân mà còn tác động xấu đến phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, kết quả quan trắc môi trường tuy nồng độ các thông số cơ bản trong không khí xung quanh khu vực TP. Buôn Ma Thuột và trung tâm các huyện đạt quy chuẩn, nhưng có những thời điểm trên các trục đường giao thông chính, khu vực đô thị có nồng độ bụi, tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép. Thực tế dù chưa đến mức báo động, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không kiểm soát được chất lượng nhiên liệu, khí thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, nguồn thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp, việc đun than tổ ong và đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch…

Xe chở đất cát  phục vụ sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn xã Ea Bông, huyện Krông Ana.
Xe chở đất cát phục vụ sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn xã Ea Bông, huyện Krông Ana.

Trong số các nguyên nhân, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%, chủ yếu là do số lượng xe máy, phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu... tăng lên nhanh. Số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy, hiện nay đơn vị đang quản lý gần 1,4 triệu xe (gồm trên 1,2 triệu mô tô, trên 56.300 ô tô và gần 79.000 máy kéo). Chỉ tính trong tháng 5-2019, toàn tỉnh có 5.381 mô tô và 280 ô tô đăng ký mới, chính sự gia tăng các phương tiện xe như hiện nay không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông, mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

Cùng với đó, ở nhiều khu vực hoạt động xây dựng do chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã và đang gây ra ô nhiễm bụi trong quá trình thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu, đất cát phục vụ thi công. Riêng ở khu vực nông thôn, do đời sống còn nhiều khó khăn nên còn nhiều hộ dân sử dụng than, củi, rơm rạ để đun nấu, hay việc đốt rác thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp cũng đang là mối nguy hại cho môi trường không khí hiện nay.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “sát thủ” môi trường lớn nhất toàn cầu. Ở Việt Nam, kết quả thống kê của Bộ Y tế thì cứ 100.000 dân có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi, 350 người viêm họng và viêm amidan cấp, 273 người viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, mà nguyên nhân chính được xác định là do ô nhiễm không khí.

Dẫu biết ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy với sức khỏe con người cũng như sự phát triển của nền kinh tế nhưng dường như việc phòng, chống vẫn chưa được chú trọng. Minh chứng là việc triển khai các dự án đầu tư cho môi trường còn thiếu và yếu; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải chưa được đầu tư đúng mức; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân chưa cao; công nghệ sản xuất lạc hậu; việc bảo vệ và chế tài xử phạt những hành vi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng còn chưa được đề cập chi tiết và cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường; chưa xây dựng được kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở cấp quốc gia cũng như ở cấp địa phương…

Khói bụi từ hoạt động sản xuất của một đơn vị trong Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).
Khói bụi từ hoạt động sản xuất của một đơn vị trong Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Để giải quyết tình trạng trên, thiết nghĩ, giải pháp căn cơ hiện nay là đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt đối với các phương tiện sử dụng khí thiên nhiên, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng xe cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh việc bảo vệ và trồng cây phủ xanh đô thị; kiềm chế tốc độ “bê tông hóa” tại đô thị; các công trình giao thông, công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; trong sinh hoạt sản xuất, cần tuân thủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đẩy nhanh việc cải tiến phương pháp chôn lấp rác, xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến… Đặc biệt, công cuộc phòng, chống ô nhiễm không khí không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà mỗi người dân cần có ý thức để bảo vệ môi trường nơi mình gắn bó, làm việc và mưu sinh.

Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2019 có chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.