Multimedia Đọc Báo in

Chung sức quản lý bền vững sông Mê Công

16:27, 31/12/2020

Tên gọi “Mekong”, mang ý nghĩa là “mẹ của nước”. Với chiều dài khoảng 4.800 km, sông Mê Công chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông Mê Công hùng vĩ đã gắn kết chặt chẽ và là không gian sinh tồn chung của 6 quốc gia trong vùng.

Về lượng nước, Trung Quốc đóng góp khoảng 15-18%, Lào khoảng 35%, Thái Lan khoảng 18%, Campuchia khoảng 20% và Việt Nam khoảng 11%. Diện tích lưu vực sông Mê Công của 4 nước hạ lưu vào khoảng 795.000 km2 với 65 triệu dân và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Ủy ban sông Mê Công quốc tế đã được thành lập từ năm 1956 dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc để điều phối tài trợ và quản lý tài nguyên trong lưu vực. Đến năm 1995, 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mê Công 1995 và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC).

mm
Nguồn tài nguyên nước Mê Công bị suy kiệt khiến những đặc sản “mùa nước nổi” ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm. (Trong ảnh: Cảnh đìu hiu của “chợ” cá linh ở đồng nước gần Châu Đốc, An Giang. Ảnh: TTO)

Hiệp định hợp tác Mê Công 1995 là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mê Công. Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác với những quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước, trong đó có 5 bộ thủ tục quy định về bảo đảm dòng chảy mùa khô; số lượng nước; chất lượng nước, thông báo, tham vấn trước khi xây dựng các công trình dòng chính Mê Công.

Ủy hội sông Mê Công hiện đang triển khai Kế hoạch Chiến lược chu kỳ 5 (2016-2020) gồm 7 kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD. Mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược là nhằm thực hiện các ưu tiên của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiếp tục thực hiện chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia và các hoạt động của cải tổ Ban Thư ký Ủy hội.

Lưu vực sông Mê Công  hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động của biến đổi khí hậu, hiện là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán; tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.

Từ năm 2010, Ủy hội đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao 4 năm một lần. Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mê Công được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan. Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Công  được tổ chức vào tháng 4-2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hội nghị Cấp cao lần thứ ba được tổ chức tại Siem Reap, Campuchia vào tháng 4-2018.

Sau hơn 20 năm thành lập, Ủy hội sông Mê Công  đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Tại các hội nghị cấp cao, những vấn đề cấp bách về việc quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công đã được đặt ra nhằm sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia “chung một dòng sông”. Trong một hội nghị mới đây nhất, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đã chỉ ra yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện việc tái cơ cấu 2 lĩnh vực lớn, đó là sản xuất lương thực, nông sản, thủy sản bền vững về môi trường (ít phát thải), tiết kiệm nước; điều chỉnh theo xu thế phát triển mạnh mẽ của các dạng năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời… đang trở nên rất cạnh tranh do công nghệ mới, vật liệu mới.

Đối với Việt Nam, sông Mê Công  có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hằng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số nước ta (Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2, chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với dân số trên 17 triệu người, hằng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam).

Những năm gần đây, nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng. Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mê Công, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi đang thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển và sụt lún đất… đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân.

mm
Cảnh cạn trơ đáy của đoạn sông Mê Công  ở làng Ban Namprai, tỉnh Nong Khai (Thái Lan) đầu tháng 10-2019. Ảnh: Reuters

Đề cập đến vấn đề này, khi dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba của Ủy hội sông Mê Công vào tháng 4-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực”. Thủ tướng đã đề nghị Ủy hội sông Mê Công  tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mê Công và các tài nguyên liên quan. Cần tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, cũng như Bộ các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mê Công; nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội sông Mê Công trong thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên. Xây dựng Khung quy hoạch phát triển lưu vực hài hòa với quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia thành viên; đề xuất các dự án chung về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, nguồn nước Mê Công. Tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mê Công và Lan Thương, cũng như mạng giám sát tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực, các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai; lập cơ sở dữ liệu, kiến thức chung, các nghiên cứu chung của Ủy hội MRC.

Tăng cường các hoạt động điều phối, hợp tác với các đối tác đối thoại, đối tác phát triển trong việc huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại, phối hợp trong các sáng kiến tiểu vùng, trao đổi thông tin số liệu, hợp tác chia sẻ kỹ thuật… nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

“Hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác, hành động để sông Mê Công mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực” – lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là phương châm hành động xuyên suốt của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.