Dòng Sêrêpốk trước thách thức từ biến đổi khí hậu và thiên tai
Sông Sêrêpốk được hợp thành từ hai dòng sông là Krông Ana và Krông Nô, chảy qua hai tỉnh Ratanakiri và Stung Treng của Campuchia trước khi nhập vào Mê Công. Đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu.
Sêrêpốk là một phụ lưu quan trọng của sông Mê Công, với tổng chiều dài của sông là 371 km. Dòng sông này có ảnh hưởng quan trọng đến môi trường sinh thái, sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân nơi dòng sông chảy qua.
Trên thực tế, biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng cực đoạn như hạn hán gia tăng trong mùa khô, ảnh hưởng của El Nino và La Nina... Xu thế biến đổi này đang làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên và do vậy tác động lớn đến tài nguyên nước trên dòng Sêrêpốk. Mặt khác, việc vận hành xả nước của các hồ thủy điện vào đầu mùa lũ và tích nước vào đầu mùa cạn đã và đang dẫn đến xu thế lưu lượng tăng lên ở những tháng đầu mùa lũ và giảm đi ở các tháng đầu mùa cạn. Điều này cũng đã khiến các địa phương nằm bên dòng Sêrepốk bị tác động nặng nề hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra.
Lúa bị ngập trên địa bàn huyện Buôn Đôn trong đợt mưa lũ hồi tháng 8-2019 |
Một trong những địa phương chịu sự ảnh hưởng của dòng Sêrêpốk là huyện Buôn Đôn. Đây là địa phương nằm trong lưu vực sông Sêrêpốk, có mạng lưới sông suối dày đặc, từ 0,4 - 0,6 km/km2. Các sông suối trên địa bàn có hướng chảy từ Đông - Đông Bắc đến Tây Nam và đổ vào dòng sông Sêrêpốk chảy về hướng Tây sang biên giới Campuchia. Sông Sêrêpốk là con sông chính chảy qua địa bàn huyện, với chiều dài khoảng 70 km, lòng sông rộng khoảng từ 100 - 200m, có chỗ rộng nhất hơn 300 m. Kết quả tính toán các đặc điểm của dòng sông cho thấy lưu lượng dòng chảy bình quân 260 - 300 m3/s. Lượng dòng chảy lũ > 2.000 m3/s và lưu lượng dòng chảy kiệt là 50 - 70 m3/s. Tuy nhiên, kết quả tính toán này còn phụ thuộc vào sự biến đổi của thời tiết, mùa mưa đến sớm hay muộn mà có số liệu khác nhau.
Riêng năm 2019, nắng nóng kéo dài trong những ngày đầu năm và ngập lụt xảy ra trong mùa mưa đã khiến lưu lượng nước trên dòng chảy biến đổi thất thường, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nơi đây. Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, trong những tháng mùa khô, toàn huyện có khoảng 3.000 ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn; 2.000 hộ, với trên 6.000 nhân khẩu phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nỗi khổ vì hạn chưa qua thì người dân trên địa bàn lại đối mặt với mưa lớn kèm theo lốc xoáy diễn ra vào tháng 5 làm nhiều nhà cửa của người dân bị tốc mái. Tuy nhiên nặng nề nhất phải kể đến đợt ngập lụt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 diễn ra vào đầu tháng 8 đã làm ngập 196 ngôi nhà, 2 trường học, 1 trạm y tế; 1.239 ha cây trồng bị thiệt hại; 2.016 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 26 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 2.816 m đường giao thông liên thôn hư hỏng và sạt lở; 9.100 m đường giao thông bị ngập và 1.230 m kênh mương thủy lợi sạt lở…
Tương tự, huyện Ea Súp cũng nằm trên khu vực hạ lưu của hệ thống sông Sêrêpốk. Đây là nguồn cung cấp nước cho hoạt động sản suất nông nghiệp, nước sinh hoạt, tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa lũ và mùa cạn khá lớn do lượng mưa phân bố không đều trong năm, gây nên tình trạng thiếu nước vào mùa khô nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Xã Cư Mlan (huyện Ea Súp) bị chia cắt trong đợt mưa lũ hồi tháng 8-2019 |
Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, năm 2019, thời tiết diễn biến phức tạp gây nắng hạn, mưa lớn, ngập lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Đơn cử, đầu vụ hè thu năm 2019, trên địa bàn huyện xảy ra nắng hạn gay gắt kéo dài làm thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây trồng bị thiệt hại 4.513 ha; 17 con gia súc bị chết và có có khoảng 1.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Người dân chưa kịp khắc phục hậu quả thì đến giữa vụ hè thu, mưa lớn, ngập lụt lại liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại trên 16.850 ha cây trồng, 176 con gia súc, 12.759 con gia cầm bị chết, 82,9 ha nuôi cá bản địa bị ngập.
Để khắc phục tình trạng này, các địa phương trên đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo đối phó hiện tượng hạn hán và chống biến đổi khí hậu; tạm ứng kinh phí cho các xã, thị trấn để khoan giếng; huy động lực lượng tại chỗ của các địa phương, các đơn vị đóng quân trên địa bàn để hỗ trợ cho người dân chống hạn. Các xã, thị trấn cũng đã trích kinh phí dự phòng để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai… Tuy nhiên, về lâu dài cần có giải pháp trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước từ các dòng sông quốc tế, hướng tới việc phát triển bền vững cộng đồng Mê Công.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc