Người dân Ea Ral chung tay bảo vệ môi trường nông thôn
Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Ea Ral, huyện Ea H’leo chú trọng triển khai thực hiện với những cách thức phù hợp, vận động người dân địa phương cùng tích cực chung tay bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng cảnh quan sạch đẹp.
Ea Ral là xã thuần nông, nhiều khu dân cư phân tán, nên vấn đề thu gom, xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nhiều hộ dân vẫn quen tự xử lý rác thải tại nhà bằng các biện pháp đơn giản là gom rác vào góc vườn rồi đốt, gây ra khói, bụi làm ảnh hưởng đến những gia đình xung quanh. Bên cạnh đó, một số hộ dân dồn rác, động vật chết vào bao và đem vứt dọc Quốc lộ 14, lô cao su, vườn rẫy.
Trước thực trạng này, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác BVMT, cùng với xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về BVMT. Bên cạnh đó, chính quyền xã chỉ đạo các thôn, buôn triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới gắn với BVMT bền vững, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.
Một tuyến đường sạch đẹp tại thôn 3, xã Ea Ral. |
Về công tác thu gom rác thải tại chợ xã, chính quyền địa phương giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình An thực hiện. Đối với 9 thôn khu vực trung tâm, người dân bầu ra đội thu gom rác và đóng góp tiền chi trả hoạt động của đội này. Tất cả lượng rác được vận chuyển đến bãi rác tập trung của xã, quy hoạch xa khu dân cư để chôn lấp, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường.
Nhờ đó, việc thu gom rác thải đã đi vào nền nếp, trở thành thói quen của mỗi gia đình, chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, nơi công cộng. Riêng tại 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, do nhiều cụm dân cư sống phân tán, cách xa đường lớn, việc thu gom rác tập trung không khả thi thì địa phương vận động mỗi hộ gia đình đào hố tại vườn để thu gom rác.
Đơn cử như gia đình chị H’Hiên Niê (buôn Tùng Kuh), trước đây ít quan tâm đến môi trường sống xung quanh, rác thải sinh hoạt của gia đình thường vứt ven đường hoặc khu rẫy vắng vẻ. Từ năm 2017, gia đình chị đào hố ở góc vườn để chứa rác, khi rác đầy thì đốt bỏ và vệ sinh lại hố rác. Mô hình này được 600 hộ, cụm hộ dân trong toàn xã áp dụng để thu gom, xử lý rác, nhờ vậy cảnh quan, môi trường nông thôn luôn sạch sẽ, tinh tươm.
Hiện toàn xã Ea Ral có 95% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 76,3% hộ có bể nước, nhà tắm hợp vệ sinh, 75,4% hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường và hệ thống biogas xử lý chất thải. |
Bên cạnh thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải, tiêu chí BVMT được gắn với xây dựng gia đình văn hóa và đưa vào quy ước của các thôn, buôn.
Nhiều phong trào, mô hình BVMT được triển khai hiệu quả như: phong trào “5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ, mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương” của Hội Nông dân và “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” của Đoàn Thanh niên. Xã cũng đã vận động các thôn, buôn trồng cây bóng mát tại trục đường chính và nơi công cộng, khơi thông cống rãnh thoát nước và xây dựng các tuyến đường tự quản, đường hoa, đường kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp. Với từng hộ gia đình phải bảo đảm nhà cửa, chuồng trại, công trình vệ sinh luôn sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhờ đó đã cải thiện chất lượng môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Chị H'Hiên Niê (buôn Tùng Kuh) xử lý rác thải trong vườn. |
Nhờ những cách làm hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương, công tác vệ sinh môi trường tại xã Ea Ral có chuyển biến rõ rệt. Cuối năm 2018, xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng tiêu chí môi trường hoàn thành trước một năm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ral Phạm Văn Trung, xã làm tốt công tác BVMT nông thôn vì xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức, hộ gia đình.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc