Multimedia Đọc Báo in

Chung tay bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

07:54, 05/06/2020

Là địa phương có giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, những năm qua, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Nằm ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar), đồi Cư H'lăm là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại nhờ sự chung tay, góp sức bảo vệ, giữ gìn của lực lượng chức năng và cộng đồng dân tộc Êđê sinh sống xung quanh ngọn đồi này. 

Già làng Y Ruê Mlô (thứ hai từ trái sang) ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) giới thiệu về cánh rừng nguyên sinh đồi Cư H'lăm.
Già làng Y Ruê Mlô (thứ hai từ trái sang) ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) giới thiệu về cánh rừng nguyên sinh đồi Cư H'lăm.

Ở cánh rừng nguyên sinh này vẫn còn giữ được rất nhiều cây cổ thụ, gốc cây 3 - 4 người ôm. Đặc biệt có nhiều loại gỗ quý cùng các loài động vật phong phú có giá trị lớn về mặt sinh thái. Để bảo vệ được khu rừng Cư H'lăm, người dân ở buôn Ea Mấp đã lưu truyền một luật tục giữ rừng là nếu người nào chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ, chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Cùng với đó, hễ thấy người lạ đột nhập vào rừng, người dân thông báo cho trưởng buôn hoặc già làng để lập tức cùng dân làng vào kiểm tra, ngăn chặn.

Được biết, toàn bộ ngọn đồi Cư H'lăm có diện tích trên 18 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 15,65 ha, thuộc kiểu rừng rậm nhiệt đới nửa rụng lá, một số cây ở tầng trên rụng lá vào mùa khô trong khi ở tầng dưới lá thường xanh, với khoảng 112 loài cây thuộc 38 họ trên tổng số khoảng 3.000 loài thực vật ở Đắk Lắk… Theo già làng Y Ruê Mlô, từ bao đời nay, người dân buôn Ea Mấp luôn nhắc nhở con cháu bảo vệ rừng để giữ cho môi trường sống xanh tươi, mát dịu và bầu không khí trong lành không chỉ cho buôn Ea Mấp mà còn cả thị trấn Ea Pốk.

Nằm giáp ranh với 9 xã thuộc 5 huyện của 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Gia Lai, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô có diện tích hơn 26.800 ha, trong đó có 21.600 ha được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây cũng là nơi có nhiều loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm như: giáng hương quả to, cà te, cẩm lai, trắc, bò tót, bò rừng, nai… Do đó, nhằm giảm áp lực việc khai thác lâm sản trái phép, Khu BTTN Ea Sô đã giao khoán  cho 500 hộ dân vùng đệm nhận bảo vệ trên 3.000 ha rừng, vừa giúp người dân có thêm thu nhập vừa giúp việc giữ rừng được tốt hơn.

Tương tự, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn cũng có tính đa dạng cao, với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, các loài cây gỗ quý, thuốc quý. Vườn có diện tích 115.545 ha, trải rộng trên địa bàn 7 xã, với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng.

Đặc biệt trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sống ở trong vùng lõi của Vườn. Chính vì thế, từ năm 2016 đến nay, thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, VQG Yok Đôn đã tiến hành giao khoán quản lý, bảo vệ một phần diện tích rừng cho cộng đồng các thôn, buôn vùng đệm và trả kinh phí cho người dân.

Riêng trong năm 2019, đơn vị đã giao khoán bảo vệ 17.500 ha rừng cho 2.402 hộ dân và 138 nhóm hộ, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Chính sách này góp phần nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng và hạn chế tình trạng phá rừng, săn bắt động vật của người dân sinh sống trong vùng đệm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật; đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Đoàn viên thanh niên trồng cây xanh để bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn viên thanh niên trồng cây xanh để bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, thời gian qua, hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị tác động và suy thoái, hệ thực vật và động vật bị suy giảm khá nghiêm trọng, thậm chí có nhiều loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt, bị xóa sổ. Do đó, ngoài những nỗ lực bảo tồn ĐDSH ở các khu rừng nguyên sinh, VQG kể trên thì các cấp, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát triển ĐDSH như: dự án bảo tồn voi, bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, quy hoạch và phát triển rừng đặc dụng; thu thập, lưu giữ các nguồn gen cây trồng bản địa; phát triển nhân nuôi các loài nguy cấp, quý hiếm có giá trị kinh tế cao… Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, cảnh quan phong phú và độc đáo của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2020 hướng tới chủ đề “Hành động vì thiên nhiên” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ĐDSH và phát triển bền vững.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc