Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ở xã Cư Êbur

06:40, 19/07/2020

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn tại khu dân cư ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến nhiều người dân bức xúc.

Nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm

Nhìn những ngôi nhà khang trang hiện đại mọc lên san sát ở đường E, thôn 2, xã Cư Êbur, khó ai có thể hình dung được nơi đây đang nảy sinh những vấn đề bất ổn về môi trường.

Nhà bà Lê Thị Kim Anh được xây dựng khá khang trang, nhưng liền kề phía sau là chuồng nuôi nai, nuôi gà với phân và chất thải ngồn ngộn bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng bâu kín. Bà Anh cho biết, gia đình bà đang nuôi 3 con nai và 10.000 con gà ác siêu trứng, cứ 3 ngày dọn chất thải một lần, thu gom phân đưa vào rẫy ủ hoai mục để bón cho cây trồng. “Trước đây một số hộ xung quanh chưa quen mùi phân gà cũng khó chịu, hay ý kiến, nhưng ở lâu họ cũng… quen dần. Muốn di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phải có tiền mua đất, xây dựng chuồng trại, rồi cả người trông coi, đâu phải muốn là di dời ngay được”, bà  Kim Anh phân trần.

Bữa cơm trưa của gia đình ông Phạm Văn Thương ở thôn 8, xã Cư Êbur bị ruồi bâu kín.
Bữa cơm trưa của gia đình ông Phạm Văn Thương ở thôn 8, xã Cư Êbur bị ruồi bâu kín.

Cùng thôn còn có gia đình chị Hoàng Thị Thùy Trang nuôi 14.000 con gà siêu trứng, chuồng gà cũng sát với khu bếp và nhà ở. Chị Trang cho biết, cứ 3 ngày thu gom 150 bao phân gà, mỗi bao khoảng 30 kg, có người đến mua tận nơi, nhưng vẫn không tránh được mùi hôi. Ngồi trong bếp dù cửa đã đóng kín, song mùi phân gà vẫn nồng nặc. Biết là ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của người dân xung quanh, nhưng chưa có điều kiện để di dời nên đành chịu”, chị Trang cho hay.

Thôn 2 có 700 hộ với hơn 6.000 khẩu, bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Toàn thôn có 16 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, gồm 4 trại nuôi heo, 12 trại nuôi gà với quy mô lớn, từ 5.000 con trở lên. Ông Trần Trọng Khánh, Trưởng thôn 2  cho biết: Mấy năm trước, nhà ai cũng nuôi heo, gà, nhà nuôi nhiều khoảng 3.000 con, nuôi ít cũng 1.000 con, nên lâu nay vẫn diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Trong các cuộc họp thôn, nhiều hộ dân đã bức xúc phản ánh về tình trạng này nhưng chưa thể khắc phục được.

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Gia đình ông Phạm Văn Thương ở thôn 8 làm chuồng nuôi bò sát ngay nhà ở, phía trước nhà là trang trại chăn nuôi gà quy mô gần 10.000 con. Do đó trong nhà ông rất nhiều ruồi, ông kể rằng đến bữa ăn là cả nhà phải thay nhau cầm quạt đuổi ruồi, thậm chí lúc có khách đến chơi, phải mắc màn để tiếp. Ô nhiễm kéo dài khiến ông bị viêm xoang mũi nặng phải đi chữa trị nhiều lần.

Giải pháp đã có, nhưng khó thực thi

Các trang trại  chăn nuôi tại xã Cư Êbur tập trung nhiều ở thôn 2, 3, 6, 8, song hiện mới chỉ có 16 trang trại đã di dời ra khỏi khu dân cư, còn lại tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Ông Trần Hoài Nam, cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường của xã cho biết, từ năm 2018 đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Cảnh sát môi trường TP. Buôn Ma Thuột xử phạt 5 trường hợp vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Khu vực chăn nuôi của gia đình bà Lê Thị Kim Anh ở thôn 2, xã Cư Êbur.
Khu vực chăn nuôi của gia đình bà Lê Thị Kim Anh ở thôn 2, xã Cư Êbur.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, cho biết: Cách đây gần 10 năm, TP. Buôn Ma Thuột đã quy hoạch 30 ha tại thôn 8, xã Cư Êbur để làm khu chăn nuôi, giết mổ tập trung, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Chưa có khu chăn nuôi tập trung nên các hộ dân vẫn phải chăn nuôi tại gia đình. Xã đã kêu gọi một số  doanh nghiệp về đầu tư, nhưng khi khảo sát thấy kinh phí quá nhiều họ cũng không dám làm. “Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt, chúng tôi không thể cấm người dân chăn nuôi tại khu dân cư, mà chỉ tuyên truyền vận động họ giữ vệ sinh môi trường và thực hiện đúng cam kết trong chăn nuôi, nhưng họ có thực hiện đúng cam kết hay không thì chúng tôi không thể giám sát hết được”, ông Hà cho hay.

Toàn xã Cư Êbur hiện có 47 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 13 trang trại heo, 34 trang trại gia cầm với quy mô lớn, từ 32.000 - 400.000 con. Ngoài ra người dân còn chăn nuôi khoảng 1.500 con nai.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.