Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ một mô hình thu gom rác thải nông thôn

08:47, 01/07/2020

Thành lập và đi vào hoạt động khoảng hai năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) thu gom và xử lý rác một lượng lớn trên địa bàn, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn.

Ông Phạm Hùng Nguyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc (gọi tắt là HTX) cho biết, từ một tổ thu gom rác tự phát tại chợ xã Ea Knuếc, đến nay HTX có 8 thành viên, 2 xe thu chở rác để thu gom rác mỗi tuần một lần cho khoảng 1.000 hộ dân tại 10 thôn trên địa bàn xã Ea Knuếc (6 thôn) và xã Hòa Đông (4 thôn). Mức thu phí dựa trên tính chất, quy mô sinh hoạt, hoạt động của từng hộ gia đình và khoảng cách từ điểm thu gom đến điểm tập kết. Cụ thể, trường học được thu gom rác miễn phí; hộ ở gần thu 15.000 đồng/tháng; hộ ở xa, hộ kinh doanh 30.000 đồng/tháng.

Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc thu gom rác tại xã Hòa Đông.
Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc thu gom rác tại xã Hòa Đông.

Bà Đoàn Thị Hạnh (thôn Tân Tiến, xã Ea Knuếc) chia sẻ, rác thải nông thôn không nhiều, nhưng việc xử lý rất phức tạp bởi không có chỗ để tập kết. Hằng ngày gia đình bà đã cố gắng phân loại rác, tận dụng các phế, phụ phẩm để làm phân bón hữu cơ, phân xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng phần rác thải không phân hủy như bao bì ni lông, chai lọ thủy tinh… không thể xử lý được đành gom để lại cuối vườn. Vì vậy, khi xã phổ biến về việc thu gom rác có đóng phí, gia đình bà ủng hộ ngay. Tương tự, nhiều gia đình ở nông thôn dù đã tận dụng tất cả các loại bao bì có thể tái sử dụng và phân loại kỹ nhưng vẫn gặp khó trong việc xử lý rác thải hằng ngày vì không có chỗ vứt nên họ sẵn sàng đóng phí để sử dụng dịch vụ thu gom rác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng thôn Tân Tiến, việc thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn  đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân và ngày càng được bà con đồng tình hưởng ứng. Toàn thôn có 68 hộ, đến nay khoảng 60% số hộ đã đăng ký và được HTX thu gom rác tận nhà. Nhiều hộ trên địa bàn có nhu cầu, nhưng không được thu gom vì mật độ dân cư thưa, ở quá xa. Bước đầu, tình trạng vứt rác bừa bãi ngoài đường, đốt trong khuôn viên vườn, rẫy gây ô nhiễm môi trường sống ở khu dân cư giảm hẳn so với trước.

Khuôn viên của gia đình bà Lại Thị Nhàn (thôn 15, xã Hòa Đông) luôn sạch đẹp.
Khuôn viên của gia đình bà Lại Thị Nhàn (thôn 15, xã Hòa Đông) luôn sạch đẹp.

Theo tính toán của HTX, hiện lượng rác thu gom của gần 1.000 hộ dân tại 10 thôn mỗi tháng khoảng 16 tấn, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Toàn bộ rác nói trên được HTX gom về bãi rác của xã xử lý bằng cách đốt, chôn lấp theo quy định. HTX khuyến khích các hộ phân loại, tận dụng những loại rác có thể tái chế được như giấy, lon bia, đồ nhựa… để bán phế liệu, vừa có thêm thu nhập vừa giảm áp lực cho bãi rác.

Hoạt động của HTX không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương. Ông Y Vuêl Niê (buôn Kréh B, xã Ea Knuếc) cho hay, gia đình ông có sáu người, đất sản xuất rất ít nên khi tham gia HTX, ông có thêm thu nhập từ gom phế liệu trong quá trình thu gom rác và từ lương, mỗi tuần ông đi làm hai ngày (thứ ba, thứ tư), được trả lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng tăng, kéo theo lượng rác thải hằng ngày cũng tăng theo. Từ hiệu quả ban đầu của Hợp tác xã Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc, có thể thấy, mô hình thu gom rác ở nông thôn cần được nhân rộng.

Theo đánh giá của UBND xã Ea Knuếc thì mô hình thu gom rác thải của HTX Nông nghiệp – Môi trường Ea Knuếc đã giúp địa phương hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí môi trường để đạt nông thôn mới cuối năm 2019.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.