"Tiếng vọng từ đại ngàn"
Tác động từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề liên quan đến hiện trạng các vùng lưu vực sông cũng như những nỗ lực bảo vệ, cải tạo môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững... được phản ánh rõ nét trong những tác phẩm tham gia cuộc thi ảnh online “Tiếng vọng từ đại ngàn”.
Cuối tháng 12-2020, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước (WARECOD) phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tổ chức triển lãm ảnh và trao giải cuộc thi ảnh online “Tiếng vọng từ đại ngàn”. Cuộc thi được triển khai từ tháng 12 năm 2019 với 2 chủ đề “Tây Nguyên – đất, nước và cuộc sống” và “Tây Nguyên – câu chuyện phát triển”, tập trung vào các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh thái xã hội vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng lưu vực sông Sê San – Sêrêpốk đã thu hút gần 300 tác giả với hơn 500 tác phẩm dự thi.
Các tác phẩm đoạt giải của cuộc thi được trưng bày tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Với không gian sáng tác là các vấn đề liên quan đến hệ thống sinh thái xã hội, đời sống đương đại của vùng Tây Nguyên, mỗi bức ảnh đã nói lên phần nào hiện thực Tây Nguyên đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đang đối diện với những thách thức về môi trường, phát triển kinh tế - xã hội gắn với cảnh quan văn hóa các dân tộc. Các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tái hiện, truyền tải những góc nhìn chân thực, khoảnh khắc sống động về thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong phát triển nông nghiệp và năng lượng xưa và nay; tác động của việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề ô nhiễm môi trường đến đời sống, sức khỏe con người và các loài sinh vật khác; nỗ lực phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của cá nhân, tổ chức tại khu vực Tây Nguyên…
Theo đánh giá của Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh - thành viên ban giám khảo, các tác phẩm dự thi đã chuyển tải được sự trăn trở của tác giả đến người xem, nhà quản lý về tài nguyên và cuộc sống của con người vùng đất Tây Nguyên hiện tại và tương lai. Trong đó, có nhiều bức ảnh có chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật rất cao, chất lượng thông tin và thông điệp rất tốt, có tính cảnh báo.
Đơn cử như bộ ảnh có chủ đề “Cánh rừng chết - nơi rừng cây trở thành lòng hồ” chụp tại hồ núi lửa ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, đạt giải nhất chung cuộc năm 2019 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương (Đắk Lắk). Anh Thương chia sẻ: “ Trong một lần đi sáng tác tại hồ núi lửa ở huyện Đắk Mil vào mùa khô, tôi tình cờ gặp hình ảnh những gốc cây to, cổ thụ ở lòng hồ bị chặt đi hiện lên như những mũi chông. Cùng với đó, hình ảnh những người dân, cậu bé đang đánh bắt cá ở lòng hồ để mưu sinh càng khiến tôi xót xa bởi màu xanh của cánh rừng đã mất đi, kéo theo đó là sự khô hạn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho bà con nhân dân…”.
Nhiếp ảnh Vũ Duy Thương (bên phải) đạt giải Nhất chung cuộc năm 2019 với bộ ảnh “Cánh rừng chết - nơi rừng cây trở thành lòng hồ”. |
Hay như với tác phẩm “Đặc sản nhà kính ở Đà Lạt” của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn (Đồng Nai) – giải Nhất chung cuộc năm 2020 đã phản ánh, nêu lên thực trạng những ngôi nhà kính phủ kín mặt đất dù đã mang lại lợi ích kinh tế, hiệu quả trong việc tăng năng suất, chất lượng cây trồng, nhưng mặt trái của phương pháp canh tác này là gây hệ quả xấu cho môi trường; nó khiến đất không thể hấp thu sức nóng của mặt trời vào mùa nắng và không thể hấp thu nước vào mùa mưa dẫn đến tình trạng khí hậu nóng lên cũng như những trận ngập lụt ở Đà Lạt trong những năm gần đây. Ngoài ra, nhiều tác phẩm đã chuyển tải đến công chúng thực trạng, hậu quả của việc khai thác nguồn tài nguyên quá mức như hình ảnh những cánh đồng khô nứt nẻ ở thị xã Ayun pa (Gia Lai); hoạt động khai thác cát gây sạt lở ở một số đoạn trên dòng sông Krông Ana (Đắk Lắk); những em nhỏ ngồi hứng từng giọt nước vào mùa khô hạn ở huyện Lắk (Đắk Lắk)…
Tây Nguyên là vùng đất trù phú và tươi đẹp, song việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nguồn nước và rừng để trồng cây công nghiệp, xây dựng đập thủy điện, khai thác gỗ… đã và đang tác động rất lớn đến cảnh quan kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa nơi đây. Do đó, thông qua cuộc thi ảnh “Tiếng vọng từ đại ngàn”, Ban tổ chức mong muốn giúp người dân và lực lượng chức năng hiểu hơn về thực trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống ở Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc