Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo tái sinh rừng bằng "bom hạt giống"

09:02, 04/06/2020

Thời gian gần đây, những bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang được tiếp cận với một phương pháp canh tác mới để trồng rừng vùng khô hạn được gọi là “bom hạt giống”.

“Bom hạt giống” là một ý tưởng sáng tạo của người dân Ấn Độ để khôi phục những khu đất bị sa mạc hóa, đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và trồng mới những cánh rừng bị chặt phá.

Đây là một phương pháp gieo trồng bằng hạt giống được bọc trong vật liệu đất. Đất bọc hạt thường là hỗn hợp đất sét và các thành phần khác như phân trộn hoặc mùn. “Bom hạt giống” sau khi hoàn thành sẽ được phơi khô trước khi gieo.

Sau khi mang đi thả trên rừng hoặc vùng đất trống đồi trọc, các hạt giống nằm im trong lớp đất đợi khi có mưa sẽ nảy mầm, cây con mọc lên đã có sẵn một lượng dinh dưỡng đủ để phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài khoảng 2 – 3 tháng đủ để cây con cứng cáp. Khi mùa khô hạn đến thì sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn.

Sử dụng “bom hạt giống” giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí trồng rừng. “Bom hạt giống” có thể tận dụng các loại cây đặc hữu tái sinh bằng hạt, có khả năng chịu hạn cao để phát triển diện tích rừng tự nhiên.

Các tình nguyện viên làm
Các tình nguyện viên làm "bom hạt giống".
“Trong năm 2021, nhóm chúng tôi sẽ tiến hành thu hạt tất cả các loài cây bản địa ở nhiều sinh cảnh rừng khác nhau, tiến hành thiết kế, theo dõi và đánh giá sâu việc tái sinh rừng trên các lô đất trống này sau khi thực hiện bằng "bom hạt giống". Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần và tình yêu môi trường, tự nhiên tới cộng đồng, thúc đẩy phong trào trồng cây phát triển mạnh mẽ”. 
Giám đốc Công ty TNHH Rồng xanh Tây Nguyên, Ủy viên Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường khu vực Tây Nguyên Phạm Quang Thái

Cách tạo “bom hạt giống” rất đơn giản, chỉ cần trộn đất sét với phân và chút nước, nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt cây rừng cần trồng vào giữa rồi vo viên lại. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước.

Do được đất bao bọc bên ngoài, hạt giống không bị côn trùng hay kiến ăn nên tỷ lệ nảy mầm cao hơn. “Bom hạt giống” khá nhỏ gọn nên dễ dàng vận chuyển khi đi rừng. Để tiết kiệm nhân công, cán bộ khi đi kiểm tra rừng, trồng rừng có thể mang theo bom hạt, ném tại các khu vực rừng đi qua.

Khách du lịch khi tham gia du lịch trải nghiệm cũng có thể được tặng “bom hạt giống” mang theo trong chuyến đi và sẽ được hướng dẫn viên du lịch chỉ dẫn khu vực ném “bom hạt giống” phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong "bom hạt". Công nhân trồng rừng khi đi lên rừng làm việc cũng có thể mang “bom hạt giống” theo và ném trên quãng đường di chuyển.

Anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng xanh Tây Nguyên, Ủy viên Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường khu vực Tây Nguyên cho biết, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, cây rừng, năm 2017 anh đã triển khai thành công mô hình vườn rừng tại huyện Lắk. Mô hình được đánh giá cao vì mang lại hiệu quả sinh kế cho người dân theo cách gieo hạt cây rừng đan xen với các loại cây ăn quả. Vào những năm sau đó, mô hình này tiếp tục được anh triển khai tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Trị.

Sau khi tìm hiểu và thử nghiệm sử dụng “bom hạt giống”, từ các kết quả ban đầu, anh Thái thấy phương pháp này có nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình thực tế trồng rừng của khu vực Tây Nguyên hiện nay, giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí khi tái sinh rừng. Sau một thời gian, ở những nơi đã ném “bom hạt giống” cây đều mọc lên tươi tốt. Đặc biệt, chi phí tạo ra “bom hạt giống” rất rẻ, có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như đất sét, hạt giống tự thu hái trên rừng, phân bò ủ hoai. Ứng dụng “bom hạt giống” còn góp phần làm đa dạng, phong phú thêm nguồn cây giống giúp tái sinh rừng tự nhiên tốt hơn.

Vì vậy, đầu năm 2021, anh Thái đã quyết định lan tỏa nó và thực hiện ở Đắk Lắk. Sau ba đợt làm “bom hạt giống” cùng các cộng sự và tình nguyện viên, hiện nay anh Thái đã làm được trên 500 "bom" để chuẩn bị thả tại khu vực đất trống, đồi trọc ven Quốc lộ 27 (thuộc địa phận xã Yang Tao, huyện Lắk) nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6). 

Anh Phạm Quang Thái (bìa phải) hướng dẫn các em thiếu nhi cách làm
Anh Phạm Quang Thái (bìa phải) hướng dẫn các em thiếu nhi cách làm "bom hạt giống".

Anh Nguyễn Huy Thịnh (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Tây Nguyên được xem là "nóc nhà của Đông Dương" và được bao phủ bởi rừng núi. Chính điều này đã mang đến cho người dân nơi đây bầu không khí trong lành và nguồn nước tự nhiên. Để thế hệ sau này còn nhìn thấy những cánh rừng tự nhiên thì mỗi chúng ta nên chung tay bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao mất rừng để từng bước phục hồi lại. Đó chính là tâm huyết của những người yêu rừng, yêu thiên nhiên hay những người đang làm việc trong ngành bảo vệ và phát triển rừng như anh. Mong muốn lớn nhất của anh Thịnh là được góp một phần trong việc phát triển rừng nên từ khi biết được chương trình làm “bom hạt giống” anh đã nhiệt tình tham gia và kêu gọi thêm nhiều tình nguyện viên khác cùng đồng hành.

Theo anh Phạm Thanh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Xã hội Bồ Công Anh, thành viên nhóm làm “bom hạt giống”, các loại cây rừng và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất đa dạng. Đặc biệt vào mùa hè, có rất nhiều loại trái cây. Mọi người sau khi ăn xong chỉ cần rửa sạch hạt, phơi khô thì đều có thể tự làm “bom hạt giống”. Với mong muốn những hạt giống này sẽ nảy mầm khi gặp điều kiện thuận lợi, mỗi người sẽ góp ít nhất một cây xanh trong hành trình phủ xanh mảnh đất chúng ta đang sống.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.