Multimedia Đọc Báo in

Vì sao thiên tai hay đổ bộ vào vùng biên Ea Súp?

08:08, 15/06/2021

Ea Súp là một trong những địa phương hứng chịu thiên tai nhiều nhất tỉnh. Chuyên gia “bắt mạch” thời tiết đã đưa ra một số lý do phần nào lý giải được nguyên nhân khiến khu vực này thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp liên tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa giông, lốc xoáy, sấm sét…).

Thời điểm thiên tai xuất hiện nhiều nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa, khiến hàng chục héc-ta hoa màu trên địa bàn bị hư hại, giảm năng suất; nhà cửa bị tốc mái, sập đổ…

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Ea Súp, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4-2021, thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu hơn 2,5 tỷ đồng.

Trận thiên tai xuất hiện gần đây nhất là vào ngày 8-6, khiến gần 10 ngôi nhà, cùng nhiều phòng học tại xã Cư Kbang bị hư hỏng do trận mưa kéo dài gần hai tiếng, kèm theo giông lốc. Rất may, trận "cuồng phong" không gây thiệt hại về người, nhưng để lại tổn thất  lớn cho người dân ở xã nghèo này.

Một ngôi nhà tại xã Cư Kbang bị tốc mái do trận mưa kèm giông lốc chiều 8-6
Một ngôi nhà tại xã Cư Kbang bị tốc mái do trận mưa kèm giông lốc chiều 8-6. Ảnh: N.Hiếu

Cũng theo thống kê của UBND huyện Ea Súp, năm 2020 trên địa bàn huyện xảy ra 9 đợt hạn hán và mưa lũ, giông sét, lốc xoáy kèm mưa lớn, khiến 1 người chết; 263 căn nhà bị ngập, 14 nhà bị tốc mái; hơn 4.747 ha cây trồng bị thiệt hại; hơn 20 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 15 phòng học, 20 trạm biến áp, hơn 5,5 km đường giao thông bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại 133,4 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thiên tai hay đổ bộ vào huyện vùng biên Ea Súp, ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk cho biết, khu vực này như một thung lũng lọt giữa hai bên dãy núi cao; địa hình thấp nhưng lại là “cửa ngõ” đón gió mùa Tây Nam từ phía Campuchia sang. Khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, tạo thành luồng gió rất lớn ùa vào nhưng khu vực này không có các “rào chắn” (đồi núi, rừng cây…) ngăn lại. Đặc biệt, thời điểm chuyển giao giữa mùa nắng và mưa rất dễ gây ra hiện tượng xung đột giữa các khối không khí nóng - lạnh dẫn đến các hiện tượng giông lốc, sấm sét...

Chiến sĩ bộ đội đưa một trẻ em ra khỏi ngôi nhà bị mưa ngập vào năm 2020. Ảnh: N.Lân
Bộ đội đưa trẻ em ra khỏi ngôi nhà bị mưa ngập vào năm 2020. Ảnh: N.Lân

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, đưa ra các bản tin dự báo thiết thực cho chính quyền và người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Ông Chiền khuyến cáo, cư dân sống trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần chấp nhận “sống chung” và tìm biện pháp giảm thiểu tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan như: Tránh sinh sống ở đồi dốc dễ sạt lở, xây dựng nhà cửa chắc chắn; không nên đến nơi gần đường điện, trạm biến áp nhất là mùa mưa; phủ xanh đất trống đồi trọc, đặc biệt là khu vực mình sinh sống để tạo nên “lớp chắn” ngăn bớt các luồng gió mùa đổ bộ vào.

Về lâu dài, theo ông Chiền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể phân cấp rủi ro thiên tai để phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.

Thanh Thủy

 


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.