Multimedia Đọc Báo in

Tấm gương soi

17:08, 30/08/2010

Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con nên vợ tôi cưng chiều hết chỗ nói, con muốn gì được nấy, thích làm gì tùy ý, nếu tôi có nói thì vợ tôi lại làm toáng lên khiến con lại càng được thể. Chính vì vậy, thằng bé lớn lên càng ngày càng trở nên ích kỷ và khó bảo.

Ngày cháu vào lớp 4, ông bà ngoại ở quê ra chơi. Vợ tôi mua được miếng gì ngon ngon về cho ông bà nó đều giành phần ăn hết, vợ tôi lại còn khen: “ Thằng bé vậy mà sành ăn đáo để”. Còn tôi thì ngượng chín cả mặt, ái ngại vô cùng. Như hiểu được tâm trạng của tôi, bố vợ trấn an: “ Vợ con như vậy là làm hư con. Ăn uống không phải là vấn đề quan trọng, mà cách ăn uống là vấn đề cần phải bàn, phải dạy bảo cháu biết kính trên, nhường dưới. Có thể con dạy cháu thì vợ con sẽ can thiệp nhưng bố có cách riêng của bố để chỉ bảo cho cháu”. Từ đó, mỗi lần vợ  tôi mua về cho ông bà miếng gì ngon, ông cũng đều chia ra năm phần, miếng to nhất là phần ông, miếng nhỏ nhất phần cháu. Con tôi không chịu, nó nằng nặc đòi bằng được miếng to của ông. Ông ôm nó vào lòng rồi hỏi: “Trong nhà mình ai là người lớn nhất ?”. “ Ông Ngoại!” - Con tôi trả lời. Ông hỏi tiếp: “Ai là người đã làm việc nhiều nhất ?” - “Ông ngoại”. “Đúng rồi cháu của ông ngoan lắm, vậy người làm việc nhiều ăn nhiều hay ăn ít?”, “Dạ ăn nhiều ạ!”. “Vậy thì cháu ăn nhiều hay ông ăn nhiều?” “ Ông ăn nhiều ạ!”. “ Cháu của ông thật tuyệt vời! Vậy bây giờ cháu có đòi miếng của ông nữa không?” “ Dạ không ạ!”. “ Cháu có biết là tại sao phần của cháu nhỏ nhất không?”. “ Vì cháu còn nhỏ chưa làm được việc ạ!”. “ Cháu của ông thông minh lắm!”.

 

Một hôm thấy cháu đi học về mặt bí xị, chờ cho cháu cất cặp, rửa tay, mặt xong, ông kéo nó vào lòng rồi thủ thỉ hỏi: “ Cháu của ông hôm nay sao mặt giống như trời sắp mưa vậy?”. “ Ông ơi! Cháu chán đi học lắm rồi, đến trường tất cả bọn bạn đều không thích chơi với cháu. Chúng nó không gọi tên cháu mà gọi cháu là thằng “mặt cau có”, có đứa còn gọi cháu là thằng “bủn xỉn, keo kiệt”. “ Tại sao các bạn lại gọi cháu như vậy mà không gọi các bạn khác?”. “Vì các bạn hay mượn đồ dùng học tập của cháu, cháu không cho mượn. Cháu bảo với chúng: “Tại sao chúng mày không mua lấy dùng mà cứ mượn tao hoài vậy?”. Cháu làm như vậy có gì sai đâu mà tụi bạn nó không thèm chơi với cháu?”. “Cháu của ông không có gì sai cả, nhưng cách cư xử của cháu với bạn bè như vậy thì chưa được. Các bạn không phải ai cũng có điều kiện như cháu cả đâu, có nhiều bạn gia đình còn nghèo khó lắm nên không có tiền để mua dụng cụ học tập cháu ạ, trong cuộc sống phải biết mình, biết ta, không ai có đầy đủ mọi thứ cả đâu cháu. Vậy cho nên cháu cần phải có tấm lòng thơm thảo với bạn bè, có như vậy thì bạn bè mới tin yêu và quý trọng mình. Nếu sống chỉ biết một mình mình, thì cháu chẳng bao giờ có bạn bè cả”. Nói rồi ông dắt thằng bé đến đứng trước tấm gương tủ và nói: “ Giờ cháu thử cười xem, người trong gương sẽ cười với cháu, nếu cháu giận dữ thì người trong gương sẽ giận dữ chẳng khác gì cháu. Nó cũng giống như cuộc sống con người vậy thôi. Nếu ta cười với mọi người thì mọi người họ sẽ cười lại với ta. Ngược lại, ta cáu gắt với họ thì họ cũng chẳng mấy thân thiện với mình. Ở trường, cháu với các bạn cũng vậy, cháu cần phải hòa đồng thân thiện với bạn bè thì bạn bè mới chơi thân với cháu”.

Một tháng ông bà ngoại ở chơi, ông đã cảm hóa được con tôi từ một đứa trẻ ích kỷ, hẹp hòi, tham ăn, lười học đã trở thành một đứa con ngoan, hiếu thảo, thân thiện với bạn bè. Vợ tôi cũng hiểu ra một điều là thương con không phải đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho con là được, mà cần phải dạy bảo, định hướng cho con.

Võ Hoàng Nam

 


Ý kiến bạn đọc