Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc trọn vẹn

23:22, 01/09/2010

Đất nước hết chiến tranh, tôi rời quân ngũ trở về quê với đôi nạng gỗ.

Vợ tôi đến với tôi là một sự tình cờ. Đó là ngày đoàn thanh niên tình nguyện đến giúp những gia đình thương binh liệt sĩ nhân ngày 27-7. Thấy tôi đang đứng trên đôi nạng gỗ cuốc đất, một cô gái hỏi đùa: “Anh Minh ơi! Sao không lấy vợ đi để người ta làm cho?”, rồi mạnh mồm: “Anh có chê em không?”. Tôi cũng không vừa: “Vậy em đồng ý lấy anh nhé”. Chúng tôi nên vợ, nên chồng bắt đầu từ câu chuyện đùa như vậy. Tôi thương yêu vợ nhiều khi quên cả chính mình. Tôi xin cho vợ vào dạy mẫu giáo của xã nhưng người ta bảo phải có trình độ lớp 12, thế là tôi động viên vợ đi học bổ túc ban đêm. Ba năm vợ đi học đối với tôi là một quãng thời gian đầy thử thách, cam go, khi cháu My, đứa con đầu lòng của chúng tôi mới hai tuổi. Vợ tôi đi học ở thị trấn cách nhà mười cây số mà lại học vào ban đêm. Nhiều lúc trời mưa gió bão bùng, cuộc sống khó khăn, vợ tôi tỏ ra chán nản, tôi chỉ biết động viên an ủi: “Cuộc sống nay khác rồi em ạ! Bất luận làm việc gì cũng vậy, không có bằng cấp, học vấn thì không thể nào làm tốt được công việc đâu em. Anh bây giờ có muốn cũng không được nữa rồi, em hãy cố gắng lên”. Rồi vợ tôi cũng tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng, giáo viên mẫu giáo dù dạy ở trường dân lập hay quốc lập cũng phải có trình độ chuyên môn sư phạm. Lại thêm một lần nữa, tôi phải gồng mình lên trên đôi nạng để động viên vợ đi học tiếp trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương ở thành phố. Nỗi vất vả khổ sở, làm ruộng vườn và chăm chút con cái đối với tôi là chuyện quá đỗi bình thường. Nỗi khổ lớn nhất mà tôi phải chịu đựng để vượt qua là lời đàm tiếu của một số kẻ vô công rỗi nghề: Đã thương tật lại không biết mà lo cái thân, giữ vợ ở nhà. Thả nó ra thành phố đi học, ăn mặc thì cứ phây phây như thời con gái, không khéo cốc mò, cò xơi đấy”. Lúc đầu tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng tôi tin vợ tôi, tin vào tình cảm vợ chồng chung sống bao nhiêu năm nay, nên những lời nói đó tôi bỏ ngoài tai. Hạnh phúc và sự thành công không phụ lòng những người biết hy sinh, chờ đợi. Bốn năm sau vợ tôi ra trường, tôi mừng rơi nước mắt và cảm thấy sung sướng vô cùng.

Bây giờ vợ tôi đã là hiệu trưởng trường mầm non của xã, các con tôi đã vào đại học. Nhiều khi tôi nói đùa với vợ: “ Nếu anh không là thương binh thì làm gì anh có được em và các con như hôm nay”. Vợ tôi âu yếm ngả đầu vào vai tôi, hạnh phúc đến thật trọn vẹn.

 

Võ Hoàng Nam

 


Ý kiến bạn đọc