Multimedia Đọc Báo in

Vai trò của gia đình trong giáo dục kỹ năng sống

16:44, 02/07/2011

Trước kia, trong xã hội truyền thống, bên cạnh việc học chữ, người trẻ còn được học cách ứng xử thông qua gia đình, làng xã hay văn hóa dân gian. Ngày nay, sự chuyển biến của kinh tế xã hội đang dần làm giảm đi chức năng của gia đình và các thiết chế truyền thống. Hơn nữa, trẻ em ngày càng phải  đối phó với  nhiều sức ép mạnh mẽ của những tiêu cực xã hội và nhiều khi không có người lớn bên cạnh; lúc đó tự các em phải biết đánh giá các tình huống và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề để tránh được các tình huống xấu ảnh hưởng đến bản thân. Do vậy, những câu tục ngữ, ca dao, những bài học đạo đức học thuộc lòng một cách máy móc không còn phát huy được mấy tác dụng nữa. Chính vì thế các em cần được trang bị một nội lực tâm lý xã hội, hay còn gọi là kỹ năng sống.

Nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc sống hiện nay, kỹ năng sống là hành trang không thể thiếu để mỗi người bước vào đời. Nếu không được trang bị kỹ năng sống, trẻ sẽ dễ rơi vào các tệ nạn, mất lòng tin, bạo lực, mặc cảm…, Hơn nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, suy thoái đạo đức ở học sinh bây giờ là do các em thiếu kỹ  năng sống. Vì vậy, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ đang là vấn đề “nóng” trên các diễn đàn giáo dục.Nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng sống, ở các đô thị lớn, nhiều cha mẹ có xu hướng đưa con tới các lớp dạy kỹ năng sống. Ban đầu, những lớp dạy kỹ năng sống thường do các trung tâm  xã hội, đoàn thể tổ chức. Sau này, đã có nhiều “công ty” với những tên gọi khác nhau nhập cuộc. Các lớp dạy kỹ năng sống chủ yếu dành cho đối tượng học sinh (từ 8 đến 16 tuổi), lứa tuổi “có lớn mà chưa có khôn”, tức là còn rất nhiều khờ dại, vụng về khi đối diện với vô vàn tình huống mang tính “nguy cơ” trong một xã hội ngày càng có nhiều mối quan hệ phức tạp.

 
Điều đáng nói là liệu trẻ có đạt được kỹ năng sống nếu chỉ thông qua các lớp dạy kỹ năng sống trong khoảng thời gian ngắn hay không. Nếu lấy phong trào thi đua làm mục đích thì sự phấn đấu của người tham gia chỉ dừng lại ở việc đạt các mục tiêu thi đua. Giáo dục kỹ năng sống theo kiểu phong trào thì khi các thành tích vui vẻ qua đi, dễ làm cho con người ta quên mất rằng muốn nên người là tự thân phải rèn luyện đạo đức thường xuyên chứ không phải đạt những danh hiệu phong trào bề nổi. 

Để dạy cho trẻ những bài học làm người trước hết và tốt nhất là từ gia đình. Giai đoạn trẻ từ 8 tới 16 tuổi là giai đoạn trẻ chịu tác động mạnh từ phía xã hội trong việc hình thành nhân cách. Gia đình nên và cần được xem như môi trường quan trọng nhất trong việc hình thành mô hình hành vi ứng xử và xử lý tình huống của trẻ. Thông qua quá trình quan sát, trẻ sẽ tiếp nhận hệ thống tri thức, kinh nghiệm, lề thói ứng xử từ các thành viên trong gia đình, từ đó có khả năng thực hiện những hành động phù hợp khi xuất hiện các tình huống có vấn đề ở ngoài xã hội.

Các bậc cha mẹ nên tỉnh táo và trung thực nhìn vào chính gia đình mình, xem ở đó trẻ được giáo dục kỹ năng sống như thế nào. Chúng ta sẽ thấy, dường như trẻ không được yêu cầu làm việc gì, chỉ tập trung vào ăn và học, mọi việc còn lại cha mẹ làm thay, hoặc cần thì thuê người giúp việc, gọi dịch vụ...? Sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái ngày càng mang tính chức năng, chỉ có thông tin mà thiếu hụt sự chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu. Hơn nữa, cùng với việc  ép con học chính, học phụ, học giỏi, đỗ cao, đạt nhiều  “danh hiệu”, là việc cha mẹ hạn chế, cách ly con cái tiếp xúc với bên ngoài, không được trải nghiệm cuộc sống, nhằm phòng ngừa tiêu cực, tai nạn rủi ro...

Chính vì thế có thể khẳng định rằng vấn đề thiếu hụt kỹ năng sống của trẻ hiện nay bắt nguồn từ gia đình. Không thể trông chờ vào hiệu quả của các lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ nếu gia đình đứng ngoài cuộc. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cho đội viên, đoàn viên, phải được xem như là sự tiếp tục, bổ sung, nâng cao, mở rộng kết quả giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ từ trong mỗi gia đình. Và như vậy, gia đình đóng vai trò nền tảng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp cho trẻ hành trang để vững bước vào đời.      

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.