Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong công tác dân số ở Tiểu khu 249

09:55, 14/05/2014
Từ năm 2006, đồng bào dân tộc Dao ở các tỉnh phía Bắc di cư vào Tiểu khu 249, xã Ea Lê (huyện Ea Súp). Khi đó, với kỹ thuật canh tác còn thô sơ, lạc hậu nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đường vào Tiểu khu lại là đường đất, rất hoang vu, gập ghềnh và hiểm trở.
 
Đặc biệt, trình độ dân trí thấp, một số quan niệm cổ hủ như “sinh con là trời ban”, sinh đông con cho vui cửa, vui nhà, có lao động sau này làm nương rẫy… vẫn còn tồn tại đã làm cho tình hình dân số biến động liên tục và tăng cao, cuộc sống của một số gia đình vốn đã nghèo lại càng thêm khó.
 
Đến năm 2011, sau khi UBND huyện Ea Súp chính thức thành lập Tiểu khu 249 thì mọi hoạt động về kinh tế - xã hội mới chính thức đi vào nền nếp; đường sá được mở mang, vốn và kỹ thuật sản xuất được đầu tư cho bà con nông dân. Đồng thời, công tác dân số-KHHGĐ được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Lê xem trọng. Hằng quý, Ban Dân số xã đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại Tiểu khu 249. Ban Tự quản của Tiểu khu cùng các Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên… cũng tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình… đến với người dân; bên cạnh đó là sự năng động, nhiệt tình của cộng tác viên dân số Bàn Thị Quan. Chị Quan thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn, hướng dẫn cho họ cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và cung cấp thuốc tránh thai, bao cao su cho đối tượng có nhu cầu. Ngoài ra, chị Quan còn trực tiếp đưa đối tượng đăng ký triệt sản, đặt dụng cụ tử cung đến các cơ sở y tế để thực hiện dịch vụ. Cứ như vậy, “mưa dầm thấm lâu”, dần dần các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Tiểu khu 249 đã nhận thức được sinh đông con là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và lạc hậu nên đã tự giác thực hiện KHHGĐ.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) tư vấn  về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.  Ảnh: Võ Thảo
Cán bộ chuyên trách dân số xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: Võ Thảo

Hiện nay, Tiểu khu 249 có 123 hộ với 623 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao; trong đó có 137 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhưng đã có 97 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (chiếm 70,8%). Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Tiểu khu 249 chỉ có 1 trường hợp trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên. Nhờ thực hiện tốt KHHGĐ nên chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2013, Tiểu khu 249 có 76 hộ khá, giàu; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,1%. Phụ nữ có ý thức khám thai định kỳ và sinh đẻ tại Trạm Y tế, không còn tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, không có trẻ em bị suy dinh dưỡng… Tiểu khu 249 được đánh giá là một trong những địa phương có bước chuyển biến mạnh mẽ nhất trong công tác dân số-KHHGĐ ở xã Ea Lê.

Thu Thủy


Ý kiến bạn đọc