Thưởng và phạt con sao cho đúng cách
Tuần nghỉ hè vừa rồi, tôi có dịp đến nhà người bạn chơi, chưa kịp vào nhà tôi đã nghe tiếng bạn tôi la mắng kèm theo đó là tiếng van xin, khóc lóc.
Đến gần cửa tôi chứng kiến cảnh tượng con của bạn đang bị lột sạch quần áo, nằm úp dưới sàn nhà, còn người bạn tôi đang cầm roi đánh túi bụi, vừa đánh vừa kể tội khiến cháu kêu la đau đớn, sợ hãi và ngại ngùng khi thấy tôi đến. Tôi hỏi nguyên căn thì được biết vì cháu đã lấy trộm tiền của bố mẹ đi chơi game nên đang trừng phạt. Nghe xong, tôi khuyên can mãi người bạn mới bỏ qua, thôi không đánh con nữa.
Qua câu chuyện trên, tôi chợt nghĩ: Cách phạt con như thế liệu có giúp trẻ nghe lời và nên người không? Việc thưởng hoặc phạt trẻ cần phải tuân theo những quy tắc nhất định. Khi trẻ đạt được một yêu cầu nào đó hay khi làm việc tốt, khi học giỏi… thì cha mẹ, gia đình cần có những lời khen, động viên bằng những cử chỉ yêu thương, đi kèm với đó là những phần thưởng nho nhỏ để khích lệ, động viên trẻ. Tuy nhiên, lời khen cũng như giá trị phần thưởng cũng cần có mức độ và phải thể hiện được sự chân thành, tình cảm đối với trẻ. Phần thưởng có giá trị lớn đôi khi lại khiến trẻ có thói quen được chiều chuộng, hay đua đòi, sính vật chất, ham hư vinh, hễ cứ có thành tích hoặc làm được việc gì là đòi cha mẹ khen thưởng. Trong lời khen cũng vậy, không vì thành tích của trẻ mà khen qua loa, đại khái, chiếu lệ hay khen quá mức thực tế. Nếu làm như vậy, lời khen của cha mẹ sẽ không có ý nghĩa động viên, khích lệ và trẻ không có cảm xúc thật khi nhận những lời khen đó.
Vậy còn phạt con như thế nào cho đúng và có tác dụng? Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của sự trừng phạt. Phạt phải nhằm mục đích giúp trẻ thấy được lỗi lầm mà bản thân đã gây ra, phải tìm cách khắc phục và giúp trẻ làm sao không bao giờ lặp lại lỗi lầm đó. Phạt còn giúp trẻ cởi bỏ mặc cảm, sự day rứt hay mất tự tin với người có lỗi. Ông bà ta có câu “nhân chi vô thập toàn”, ai cũng có thể mắc lỗi, ai cũng không thể tránh khỏi sai lầm. Vì vậy, cha mẹ nên vị tha, học cách tha thứ cho trẻ, khi đó trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra và sửa chữa lỗi lầm. Đôi khi, cha mẹ vì quá tức giận hoặc có suy nghĩ cứ đánh đập, chửi mắng, đe dọa con trẻ là có hiệu quả thì chưa chắc đã phù hợp, nhiều khi lại phản tác dụng, khiến trẻ trơ lì cảm xúc hoặc phản kháng lại. Trong mọi tình huống, sau khi phạt con trẻ, cha mẹ cần giải thích rõ ràng cho trẻ biết những việc mà trẻ đã làm, không nên vừa đánh chửi vừa giải thích. Những hình phạt hợp lý sẽ giúp con trưởng thành và tiến bộ hơn. Trong gia đình, cha mẹ nên xây dựng những quy tắc thưởng phạt thật chuẩn mực, đúng đắn, cha mẹ và con cái cần có sự tôn trọng lẫn nhau, không nên áp đặt ý muốn của người lớn lên con trẻ.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc