Multimedia Đọc Báo in

Cha bệnh tật nuôi 3 đứa con nhỏ dại

08:14, 14/05/2012

Tháng 4-2011, anh Lê Trung Hiền ở thôn 15, xã Tân Hòa (Buôn Đôn) bị bệnh nặng. Trong hoàn cảnh ấy, vợ anh lại bỏ đi, mặc người chồng bệnh tật và ba đứa con nhỏ. Khi ấy, đứa con trai út của anh Hiền là Lê Trung Hòa mới được 8 tháng tuổi. Thương con nhỏ thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, đang đau bệnh, anh Hiền vẫn gượng dậy vay tiền đi đón vợ về sum họp. Người vợ trở về với con chưa đầy 1 tháng lại tiếp tục bỏ đi.

Bệnh tật ngày càng nặng, anh Hiền thường xuyên bị ho ra máu, viêm Amidan và đau đầu mãn tính. Không có ruộng rẫy, chỉ có một căn nhà nhỏ để bốn cha con ở, vì thế, dù đau bệnh, không có tiền chạy chữa, hằng ngày anh Hiền vẫn phải bươn chải kiếm miếng ăn nuôi các con. Mỗi ngày, từ 3 giờ rưỡi sáng, anh lại đẩy xe đi bán thịt viên chiên, rong ruổi từ nhà đến trung tâm huyện, đến tận buôn Tua, xã Ea Wer 12 giờ đêm mới về nhà để kiếm 50.000 – 60.000 đồng nuôi con. Cực nhất là những ngày trời mưa, cứ nhiễm nước mưa là bệnh anh trở nặng, sốt cao. Cha đi bán hàng cả ngày, ba đứa con anh ở nhà tự trông nhau. Đứa con trai lớn là Lê Trung Hoàng hiện đang học lớp 2B Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Buôn Đôn), bé gái thứ hai là Lê Thị Thanh Hường đến tuổi học mẫu giáo nhưng không có tiền đi học nên phải ở nhà chơi với em. Còn cậu con trai út của anh năm nay mới được 2 tuổi.

Cha con anh Lê Trung Hiền ở thôn 15, Tân Hòa, Buôn Đôn.
Cha con anh Lê Trung Hiền ở thôn 15, Tân Hòa, Buôn Đôn.

Hoàn cảnh của cha con anh Hiền hiện đang rất khó khăn, rất cần được sự chia sẻ, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Quỹ “Tấm lòng vàng”, Báo Dak Lak, 23 Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột.

Minh Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.