Multimedia Đọc Báo in

Những cánh chim không mỏi

16:58, 30/04/2010

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đã có nhiều  người từ mọi miền Tổ quốc vào Dak Lak lập nghiệp, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Tuy phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ đã đem hết sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết để lao động, sản xuất, góp phần xây dựng Buôn Ma Thuột - Dak Lak ngày càng phát triển giàu đẹp.

Gắn bó với Dak Lak đã gần 30 năm, chị Nguyễn Thị Hằng luôn cho đó là một cơ duyên và sự may mắn của cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng  Kế toán ở Huế, chị được phân công vào làm việc tại Liên hiệp Các xí nghiệp Cà phê Việt Nam (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Theo lời chị kể lại, vào Dak Lak được 3 năm, chị lập gia đình, cuộc sống lúc đó khó khăn lắm, phải ăn cơm độn và mọi thứ đều mua bằng tem phiếu. Dành dụm, tiết kiệm mãi đến năm 1999, gia đình mới mua và trồng được 3,5 ha cà phê, ai ngờ sau một thời gian cà phê rớt giá liên tục nên lại rơi vào cảnh nợ nần. Vì đều công tác tại xí nghiệp nên vợ chồng chị lại an ủi, động viên nhau cùng học hỏi thêm kỹ thuật, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, cắt cành, bón phân, nên vườn cà phê phát triển xanh tốt, đạt sản lượng bình quân trên 10 tấn/năm. Năm 2007, anh chị được nghỉ hưu theo chế độ và lúc đó cũng đã có một cơ ngơi khá ổn định, con cái đều học hành thành đạt. Nhưng nắm bắt nhu cầu thị trường, vợ chồng chị Hằng quyết định đầu tư làm vườn ươm cây giống. Ban đầu chỉ ươm với số lượng ít, rồi vừa làm vừa học hỏi thêm kỹ thuật, nên hiện nay, vườn ươm của gia đình chị có nhiều loại cây giống như hồ tiêu, cà phê vối, cà phê ghép, các loại cây rừng, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 6 vạn cây.

Chị Hằng đang chăm sóc vườn ươm cây giống.
Chị Hằng đang chăm sóc vườn ươm cây giống.

Từ kinh nghiệm làm ăn của bản thân cộng với trách nhiệm của một chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn 11, xã Hòa Thắng, chị đã có nhiều cách làm hay giúp hội viên trong thôn phát triển kinh tế. Ngoài việc tổ chức cho hội viên tham dự các lớp tập huấn, trong các buổi sinh hoạt, chi hội còn lồng ghép truyền đạt kỹ thuật ươm cây giống cho hội viên thông qua hình thức trả lời câu hỏi để mọi người dễ nhớ, dễ áp dụng; tổ chức các buổi thảo luận, tham quan thực tế vườn ươm để chị em cùng trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những cách làm hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay, trong thôn đã có hơn 100 hộ có vườn ươm cây giống, trong số 350 hội viên phụ nữ của thôn, chỉ còn 2 hội viên nghèo. 
Không tình cờ như chị Hằng, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thái Học vào thôn 3, xã Tân Tiến, huyện Krông Pak lập nghiệp sau khi đã bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng. “Cuộc sống gia đình tôi ở Đà Nẵng lúc đó khó khăn lắm. Tuy có nghề sửa chữa điện tử nhưng cũng chẳng ăn thua gì vì khi đó mấy ai có tiền mua ti vi, radio đâu. Sau khi tham khảo, tôi quyết định bán hết nhà cửa, đất đai để  chuyển vào đây làm ăn. Đến giờ nhìn lại tôi thấy mình may mắn vì quyết định như thế”, ông Học thổ lộ. Sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy trên địa bàn xã chưa có lò giết mổ gia súc nào nên quyết định thử sức với nghề mới này nhưng cái khó lớn nhất vẫn là vốn. Xoay sở bằng mọi cách, cuối cùng ông cũng vay được 100 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư xây dựng lò mổ có diện tích 120 m2 để thực hiện mơ ước làm giàu. Chỉ sau 4 năm, gia đình ông đã trả hết nợ Ngân hàng. Không bằng lòng với những gì đã có, năm 2005, gia đình ông nhận trồng 10 ha rừng giao khoán của Lâm trường Krông Pak (nay là Công ty Lâm nghiệp Phước An). Để kịp thời vụ gieo trồng, gia đình ông lại thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng đầu tư mua 27.000 cây keo lai, thuê người cày đất và gieo trồng. Và những cố gắng của gia đình ông đã được đền đáp, khi năm 2009 thực hiện chủ trương tỉa thưa rừng trồng, gia đình đã bán được 7.000 cây keo lai, thu được hơn 34 triệu đồng. Cuối năm 2010, sẽ tiếp tục tỉa khoảng 14.000 cây nữa bán, chỉ để lại 8.000 cây lấy gỗ nộp sản lượng cho công ty. Song song với việc trồng rừng, năm 2009, gia đình ông đầu tư xây dựng trại chăn nuôi heo, có hầm biogas và hệ thống cung cấp nước uống tự động, mỗi năm xuất bán gần 200 con heo thịt, trừ chi phí cũng có lãi khoảng 50 triệu đồng.

Cựu chiến binh huyện Krông Pak tham quan mô hình chăn nuôi heo của ông Nguyễn Thái Học.
Cựu chiến binh huyện Krông Pak tham quan mô hình chăn nuôi heo của ông Nguyễn Thái Học.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Học còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông đã vận động các hội viên khá giúp đỡ những hộ khó khăn về vốn, cây, con giống, huy động các nhà hảo tâm trong xã hỗ trợ cho bà con mua phân bón trả chậm không lấy lãi, hướng dẫn các hộ nghèo liên kết lập đề án chăn nuôi bò, cá, trồng rừng, phối hợp với khuyến nông huyện, xã hỗ trợ 18 hội viên CCB nghèo thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản... Nhờ vậy, trong năm 2009, tỷ lệ hội viên CCB nghèo của xã đã giảm từ 36 hộ xuống còn 6 hộ.
Có lẽ khi nhắc đến nhà thơ Dzạ Lữ Kiều (bút danh của Trần Xuân Thái), thì giới nghệ sĩ ở Dak Lak là không ai không biết đến. Rời mảnh đất quê hương Thừa Thiên Huế vào Dak Lak lập nghiệp sau khi đất nước thống nhất là những chuỗi ngày gian khổ, phải ăn củ mì, củ khoai thay cơm nhưng không làm chùn bước chân ông. Đi khắp địa bàn các huyện Krông Năng, Ea Súp, sau cùng ông quyết định gắn bó với vùng đất xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) để ổn định cuộc sống, chăm sóc con cái.

Ông Trần Xuân Thái (bìa phải) trong đêm giới thiệu tập thơ của mình.
Ông Trần Xuân Thái (bìa phải) trong đêm giới thiệu tập thơ của mình.

Những năm tháng đầu lập nghiệp ở vùng đất mới quá khó khăn, khiến vợ chồng ông phải vật lộn kiếm sống từ việc trồng cây hoa màu, làm rẫy cà phê, kinh doanh hàng hóa để kiếm cơm cho cả nhà 8 miệng ăn. “Vừa lo cái ăn, tôi vừa phải chăm lo 6 người con đang tuổi đi học, không còn thời gian để sáng tác văn thơ mà bấy lâu mình theo đuổi. Tuy nhiên, với sự kiên trì và lao động không mệt mỏi, dần dần cuộc sống của gia đình cũng đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo”, nhà thơ nhớ lại.
Sau năm 1998, khi kinh tế đã ổn định, ông mới trở lại nghiệp văn chương trước đó của mình. Trong các sáng tác, phần nào ông gửi gắm những suy tư, hồi ức về cuộc sống, những năm tháng đã qua. Đến bây giờ khi các con đều có gia đình, công việc ổn định, nhưng ông chẳng thể nào quên được kỷ niệm trên vùng đất cao nguyên này.

Xuân – Thúy

 


Ý kiến bạn đọc